Ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, tỉnh có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, trong đó có ngành Du lịch. Với các sản phẩm tiềm năng như: Du lịch văn hoá - lịch sử; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch văn hoá - tâm linh; du lịch làng nghề truyền thống và sản phẩm du lịch khám phá hang động được khai thác phục vụ nhân dân, du khách.
Nhưng thực tế các sản phẩm du lịch của tỉnh còn mờ nhạt, thiếu hấp dẫn, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, thậm chí còn thua kém so với sản phẩm du lịch của một số tỉnh lân cận, nên chưa đủ độ sắc để tạo điểm nhấn trên bản đồ du lịch trong nước. Các sản phẩm du lịch mới dừng ở tiềm năng. Đây là những nguyên nhân để du khách đến tỉnh có thời gian lưu trú ngắn, mức tiêu dùng thấp và có rất ít du khách trở lại.
Nhằm khắc phục những hạn chế này, những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm hơn trong phát triển ngành Du lịch, với “quyết tâm” đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Các cấp, ngành của tỉnh, trực tiếp là những người làm du lịch đã thẳng thắn nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém để tìm hướng khắc phục. Và bắt đầu như một khởi động tươi mới bằng việc đầu tư xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù; đa dạng hoá sản phẩm du lịch để thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Với hơn 800 di tích văn hoá, lịch sử, danh thắng Với ngành Du lịch thì đó là nguồn tài nguyên vô giá. Song thực tế khách du lịch đến Thái Nguyên vẫn cơ bản đến tham quan hồ Núi Cốc, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, ATK Định Hoá… Một năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có thêm điểm đến mới là Khu di tích Lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (T.P Thái Nguyên) cũng bước đầu thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Các tổ chức, cá nhân làm du lịch đã linh hoạt tổ chức kết nối các điểm đến thành tuor tuyến hợp lý, tạo nên sản phẩm du lịch mới, tránh đơn điệu, nhàm chán, như: Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần ở hồ Núi Cốc và giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể gắn với cây chè; du lịch về nguồn gắn với Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá và văn hoá địa phương; du lịch cộng đồng gắn với làng nghề chè truyền thống và văn hoá trà…
Đành là “rượu mới, bình cũ”, nhưng khi được thổi hồn vào thì tất cả đã thay đổi, các sản phẩm du lịch trở nên hấp dẫn, thôi thúc và tạo cho du khách có nhiều cảm xúc mới. Xu hướng phát triển các sản phẩm này có thể coi là một trong những hướng đi phù hợp với tiềm năng sẵn có của ngành Du lịch tỉnh.
Các thị trường khách du lịch được xác định của tỉnh là thị trường khách từ trung tâm du lịch Hà Nội và các tỉnh vùng núi phía Bắc, các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Khách du lịch chủ yếu là người Việt Nam và khách là người nước ngoài sống ở Việt Nam. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia làm du lịch của tỉnh đã khéo léo gắn kết, liên kết chặt chẽ những sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ, tạo nên những sản phẩm du lịch tổng hợp mang lại giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm du lịch, như: Nghỉ dưỡng; sinh thái - nghỉ dưỡng; văn hoá - tâm linh; du lịch MICE - văn hoá của tỉnh đang từng bước tạo được lực hấp dẫn để du khách lưu lại trải nghiệm với thời gian dài hơn.
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Để du lịch có đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương và an sinh xã hội, đòi hỏi phải có sản phẩm mới để tiếp thị, chào mời du khách. Hiện, tỉnh đã có nhiều giải pháp đột phá quan trọng, bắt đầu từ công tác quy hoạch đến tập trung các nguồn lực để nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch. Cùng với đó là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp, nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến hợp tác phát triển, trong đó có Tập đoàn T&T; Công ty cổ phần Vườn Thời Đại Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và Công nghiệp Việt Nam...
Để đảm bảo phát triển bền vững, ngành Du lịch của tỉnh xác định rõ sản phẩm đặc thù là du lịch văn hoá, lịch sử gắn với những trải nghiệm về ATK Định Hoá; trải nghiệm về văn hoá đặc sắc của vùng chè Tân Cương “Đệ nhất danh trà”; du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch hồ Núi Cốc... Cùng đó là các tuor du lịch nghiên cứu lịch sử di chỉ khảo cổ học Thần Sa (Võ Nhai); du lịch sinh thái khám phá hang động, leo núi, dã ngoại và nghiên cứu đa dạng sinh học rừng nguyên sinh núi Tam Đảo (Đại Từ), rừng nguyên sinh Thần Sa (Võ Nhai), trên cơ sở đó tạo điểm nhấn và xây dựng thương hiệu cho du lịch Thái Nguyên.