Vẫn còn nhiều khó khăn

07:27, 12/11/2019

Võ Nhai là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển các ngành nghề trong lĩnh vực này. Thế nhưng, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở CN-TTCN trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn.  

Võ Nhai có tổng diện tích tự nhiên gần 84 nghìn ha, có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng gồm: Chì, kẽm (tập trung nhiều ở xã Thần Sa, Cúc Đường), vàng (tập trung nhiều ở Thần Sa, Sảng Mộc, Liên Minh), đá Cacbonnat để làm vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng và đá Đôlômit có trữ lượng khoảng trên 200 triệu tấn. Nguồn tài nguyên khoáng sản này sẽ tạo cho Võ Nhai một lợi thế lớn trong việc phát triển các ngành luyện kim, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản... Những năm qua, bằng việc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện có những bước phát triển nhất định. Hiện nay, Võ Nhai có Cụm công nghiệp Trúc Mai rộng 27,7ha, với 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Trọng Tín; Công ty TNHH Thực Nghiệp Trung nhất Bảo thắng Việt Nam; Công ty liên doanh Quý Thái; Công ty cổ phần Lan Thái; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Hà. Cùng với đó, Cụm công nghiệp Cây Bòng (xã La Hiên) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, đang triển khai giải phóng mặt bằng giai đoạn 2. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có trên 560 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN, góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN ở huyện đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Trọng Tín được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả, các doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Thực Nghiệp Trung nhất Bảo thắng Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Cụm công nghiệp Trúc Mai từ năm 2006 với Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu Antimon, chì, kẽm, đồng hợp kim titan, hợp kim vanadisắt và kim loại crom. Công ty đã hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động thử. Tuy nhiên, do khó khăn về nguyên liệu nên Công ty không duy trì được hoạt động thường xuyên. Tương tự, Công ty liên doanh Quý Thái cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Cụm công nghiệp này từ năm 2009 với ngành nghề sản xuất than cốc và mua bán than. Cũng do thiếu nguồn nguyên liệu mà hoạt động sản xuất của Liên doanh cầm chừng, thậm chí có giai đoạn phải dừng hoạt động. 2 doanh nghiệp còn lại đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào đây nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện dự án. 

Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển (nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn) nhưng các doanh nghiệp, hộ cá thể sản xuất hàng may mặc trên địa bàn huyện còn ít, quy mô nhỏ lẻ. Hiện, trên địa bàn huyện mới chỉ có 4 doanh nghiệp sản xuất may mặc, trong đó: Hợp tác xã May mặc dịch vụ Võ Nhai, Chi nhánh may thuộc Công ty TNHH Thái Thụy Anh, Công ty TNHH Thùy Mỵ may túi đựng đồ xuất khẩu và Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Phú Cường may quần áo. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp này còn khá khiêm tốn, mỗi cơ sở mới thu hút được từ 30 đến 70 lao động vào làm việc. Các cơ sở may hộ cá thể dường như không phát triển được do giá thành làm ra một sản phẩm cao hơn so với may theo dây chuyền hiện đại...

Là nghề được coi là thế mạnh của huyện, các cơ sở sản xuất gạch không nung trên địa bàn cũng nhỏ lẻ, không tập trung. Hiện nay, ngoài 2 doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn khoảng 6-7 nghìn viên gạch/ngày, Võ Nhai có 45 cơ sở cá thể tập trung chủ yếu ở các xã: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Bình Long, Dân Tiến với quy mô 3-4 nghìn viên/ngày. Tương tự, các cơ sở cơ khí cũng có mặt ở khắp các xã, song quy mô rất nhỏ, mỗi cơ sở mới tạo việc làm tại chỗ cho 1 đến 2 lao động (chủ yếu là anh em trong gia đình)...

Nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên nhưng phần lớn xuất phát từ khó khăn về vốn đầu tư, mặt bằng và thị trường tiêu thụ. Do thiếu vốn nên hầu hết các cơ sở tư nhân đều khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất cũng như đầu tư, nâng cấp các thiết bị công nghệ hiện đại và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Ngọc (xã Lâu Thượng) cho biết: Năm 2014, tôi mở xưởng sản xuất gạch không nung rộng 500m2, sản xuất 6-7 nghìn viên gạch/ngày, tạo việc làm cho 4 lao động. Từ đó đến nay, tôi vẫn chưa dám mở rộng quy mô sản xuất, bởi loại gạch này chủ yếu được sử dụng trong các công trình xây dựng của Nhà nước và công trình phụ của người dân. Diện tích khu xưởng cũng hẹp, mở rộng sẽ không đủ diện tích để tập kết sản phẩm làm ra. 

Ông Nguyễn Anh Thống, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Võ Nhai cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường bám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, Phòng tiếp tục tham mưu với UBND huyện tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào các ngành nghề như: Luyện gang, sản xuất may công nghiệp, vật liệu xây dựng, bảo quản chế biến nông, lâm sản. Cùng với đó, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng...