Doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường kết nối giao thương

10:29, 03/12/2019

Những năm gần đây, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Thái Nguyên đối diện với không ít khó khăn, thách thức song với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đội ngũ DNNVV đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với hơn 200 hội viên, hàng năm các doanh nghiệp (DN) này đã mang lại nguồn thu trên 4.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 10.000 lao động, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng, đóng góp ngân sách Nhà nước trên 1000 tỷ đồng… 

Thành lập từ năm 2004 với 58 hội viên ban đầu, đến nay, Hiệp hội DNNVV đã phát triển hơn 200 hội viên là chủ các DN, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xây dựng, thương mại… trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Hiệp hội đã làm tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đồng thời là cầu nối giữa hội viên với chính quyền, cơ quan chức năng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật quy định. Nhưng với đặc điểm đa phần là các DN nhỏ và siêu nhỏ, nên chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và cạnh tranh của các DN còn thấp. 

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các DNNVV vẫn gặp phải những khó khăn như: Công nghệ lạc hậu; thiếu mặt bằng; nguồn vốn kinh doanh còn hạn chế… Một số DN có nhu cầu vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Nguyên nhân là do các thông tin tài chính của một số DN còn thiếu sự minh bạch, chưa phản ánh đầy đủ tình hình sản xuất kinh doanh gây khó khăn trong quá trình thẩm định cho vay; tài sản không đảm bảo đủ cho khoản vay, trình độ quản lý và năng lực điều hành thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh còn manh mún, không có sự đầu tư theo chiều sâu… Tuy nhiên, khó khăn trở ngại lớn nhất hiện nay đối với các DNNVV đó là các DN này phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu tại nội địa. Bên cạnh đó, cuộc “đổ bộ” của các DN có vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh sẽ khiến các DNNVV phải đối diện với cuộc cạnh tranh gay gắt hơn cả về cơ cấu sản phẩm lẫn giá thành... Với năng lực quản trị cũng như tiềm lực hạn chế hơn, mất thị trường sẽ là điều các DNNVV lo sợ.

Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết: Đối diện với các trở ngại trên, các hội viên trong Hiệp hội luôn tích cực đổi mới tư duy, sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý điều hành DN, khắc phục khó khăn, tái cấu trúc DN, tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đã có nhiều dự án mới được triển khai, mở rộng đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đơn cử như Công ty cổ phần (CP) Thương mại Thép Việt Cường (T.X Phổ Yên) là một Công ty chuyên kinh doanh, cung cấp các sản phẩm thép chuyên dùng trong lĩnh vực xây dựng và công nghiệp. Mặc dù năm 2019 là một năm khó khăn với các DN kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng do giá nguyên vật liệu tăng nhưng Công ty vẫn tìm kiếm thị trường mới và ổn định sản xuất. Ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Thương mại Thép Việt Cường tâm sự: Nhờ có những chiến lược kinh doanh hợp lý, đi tắt đón đầu, Công ty đã vượt qua được nhiều giai đoạn khó khăn của nền kinh tế khi khủng hoảng suy thoái. Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011, ban đầu Công ty chỉ thực hiện xuất, nhập khẩu mặt hàng thép nhưng từ năm 2014 trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng các công trình nhất là tại công trường Samsung, Công ty đã đầu tư sản xuất gia công thép kết cấu. Thời điểm cao nhất, Công ty đã cung cấp 4.000 tấn thép kết cấu cho Nhà máy Samsung. Từ năm 2018 đến nay, do nhu cầu xây dựng của Samsung giảm, nhưng nhu cầu xây dựng của một loạt các nhà máy phụ trợ của Samsung và các DN FDI mới vào đầu tư trên địa bàn tỉnh lại tăng nên Công ty giữ ổn định mỗi năm cung cấp khoảng hơn 1.500 tấn thép kết cấu cho các đơn vị. 10 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Công ty đạt 60 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Lê Mạnh Cường cho biết: Là thành viên Hiệp hội DNNVV, ngoài việc nỗ lực sản xuất, kinh doanh đưa DN đi lên, chúng tôi còn chia sẻ, giới thiệu bạn hàng với những hội viên cùng lĩnh vực để cùng nhau phát triển…

Không chỉ đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh, các DN trong Hiệp hội còn chú trọng tăng cường các hoạt động giao thương nội bộ “mua cho nhau, bán cho nhau” trên tinh thần cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Ông Nguyễn Đức Cổn, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Cường Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho hay: Trong kinh doanh hiện nay, chúng ta cần liên kết, liên hệ với nhau để cùng tạo ra liên minh buôn bán, cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nhau. Mỗi DN có thế mạnh riêng với những sản phẩm độc đáo của mình, bởi vậy cách để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tốt nhất chính là chúng ta ủng hộ nhau, gia tăng các hoạt động giao thương trong nội bộ. Ngoài ra, sự liên kết làm ăn cũng mang đến cho các DN cơ hội trao đổi kinh nghiệm kinh doanh cho nhau…

Có thể nói, nhờ Hiệp hội hoạt động tốt, hỗ trợ DN hiệu quả đã tạo được "lực hút" nhiều DN, hợp tác xã tham gia vào Hiệp hội hơn. Các DN thành viên trong Hiệp hội luôn là những nhân tố tích cực trong nghĩa vụ nộp thuế và rất nhiều DN được khen thưởng. Điển hình như: Công ty TNHH Cường Đại, Công ty CP Thương mại Thép Việt Cường (T.X Phổ Yên); Công ty CP Xây dựng và Thương mại Cường Thịnh, Công ty TNHH Quang Anh (T.P Thái Nguyên); Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Trung Thành (T.P Sông Công); Công ty CP Xuất nhập khẩu Thương mại và Du lịch Sơn Luyến (huyện Đồng Hỷ)…

Trong thời gian tới, Hiệp hội DNNVV tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ DNNVV rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các DN biết và phát huy quyền lợi của mình. Định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo địa phương, các sở, ban, ngành với đại diện các DN, Hiệp hội DN để lắng nghe ý kiến phản ánh của các DN, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình kinh doanh của DN; Tạo điều kiện cho DN tham gia góp ý vào việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách của địa phương...