Thời gian qua, Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) các cấp đã giúp nhiều hội viên, nông dân ở huyện Phú Bình có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sự, xóm Đồng Hòa, xã Nga My là một trong 7 hộ nông dân trong xã được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ HTND huyện sau khi tham gia Dự án cải tạo, phát triển vườn cây ăn quả. Vào thời điểm cuối năm 2016, gia đình ông dự định mở rộng diện tích trồng cây ăn quả nhưng gặp khó khăn về vốn. Sau khi được vay 30 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện, ông tập trung cải tạo trên 6.000m2 đất vườn, đầu tư trồng thêm bưởi, ổi, na, nhãn. “Dù nguồn vốn vay không lớn, nhưng Quỹ HTND đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh. Không những vậy, khi tham gia vào Dự án, tôi còn được theo học các lớp tập huấn kiến thức về trồng trọt, phòng chống sâu bệnh, có điều kiện để giao lưu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hộ khác trên địa bàn… Nhờ vậy, vườn cây ăn quả ngày càng phát triển và trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Đến nay, hơn 200 cây bưởi, 80 cây nhãn, 80 cây na, 100 cây táo đã cho thu hoạch, với mức thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm” - ông Sự nói.
Từ thành công ban đầu của Dự án cải tạo, phát triển vườn cây ăn quả, Hội Nông dân xã Nga My đã thành lập tổ liên kết trồng cây ăn quả trên địa bàn nhằm kết nối, tạo điều kiện trao đổi, giúp đỡ nhau về khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với 30 hộ tham gia; góp phần mở rộng thêm 1,2ha diện tích cây ăn quả trong toàn xã.
Bà Dương Thị Luyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết: “Tuy nguồn vốn vay chưa cao, với mức vay từ 30-50 triệu đồng/hộ (lãi suất 0,7%/ tháng) nhưng thực sự có ý nghĩa với các mô hình chăn nuôi nhỏ và vừa, giúp hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, mở rộng quy mô phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập trung ở nông thôn. Hiện, tổng nguồn Quỹ do Hội Nông dân huyện đang quản lý cho vay là 4,72 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Trung ương Hội và của tỉnh ủy thác là trên 4,1 tỷ đồng, nguồn vốn của huyện là 615 triệu đồng. Toàn huyện đang triển khai 14 dự án cho 143 hộ vay vốn”. Điểm sáng trong công tác phát triển Quỹ là từ năm 2016, các cơ sở Hội trong toàn huyện đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng Quỹ HTND. Cụ thể, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã xây dựng Đề án “Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND huyện, giai đoạn 2016-2020” và được Ban Thường vụ Huyện ủy phê duyệt. Từ đó đến nay, mỗi năm, UBND huyện bổ sung 100 triệu đồng vào Quỹ HTND huyện; các nguồn vận động, đóng góp cũng đạt trên 100 triệu/ năm.
Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, cho vay đúng đối tượng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng vốn vay; tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, dịch bệnh cho đàn vật nuôi… Đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả để bà con nông dân, hội viên học hỏi lẫn nhau. Trên thực tế, hoạt động của Quỹ HTND luôn gắn với xây dựng các mô hình dự án, tổ kinh tế hợp tác nông nghiệp, nông thôn. Việc hỗ trợ vốn phải gắn với hoạt động chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, định hướng cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp giúp nông dân phát huy được nguồn vốn vay và có điều kiện tái đầu tư sản xuất. Qua đó đã góp phần xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: Chăn nuôi ngựa bạch xã Dương Thành; sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xã Kha Sơn, Xuân Phương; nuôi chim bồ câu xã Thanh Ninh; nuôi gà mái đẻ xã Tân Khánh; chăn nuôi bò sinh sản xã Đào Xá, Thượng Đình; phát triển nghề tương truyền thống xã Úc Kỳ…
Có thể nói, Quỹ HTND đã trở thành “điểm tựa” giúp hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình đầu tư sản xuất, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.