Chuyển biến trong thu hút đầu tư

17:04, 17/01/2020

Những năm gần đây, với tiềm năng và lợi thế vốn có cùng tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, tỉnh ta đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư triển khai nhiều dự án lớn trên địa bàn. Đặc biệt, từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, số lượng dự án đầu tư vào tỉnh càng có xu hướng tăng nhanh.

Theo thông tin của Sở Kế hoạch - Đầu tư, năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký 352,8 triệu uSD, trong đó có 15 dự án đầu tư tại khu công nghiệp (KCN) và 2 dự án ngoài KCN. Lũy kế đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 8,03 tỷ uSD (tương đương khoảng 187.000 tỷ đồng), trong đó số vốn giải ngân đạt trên 90%. 

Cùng với đó, từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 đến nay có 43 nhà đầu tư đăng ký triển khai 61 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn trên 115.540 tỷ đồng, tập trung vào 6 lĩnh vực: Công nghiệp; nông nghiệp; siêu thị, thương mại, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, văn hóa - thể thao; hạ tầng đô thị, giao thông; y tế, giáo dục, công nghệ thông tin; xử lý rác thải và nghĩa trang. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp có 16 dự án; lĩnh vực nông nghiệp 3 dự án; lĩnh vực siêu thị, thương mại, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, văn hóa - thể thao 15 dự án; lĩnh vực hạ tầng đô thị, giao thông 19 dự án; lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghệ thông tin 4 dự án; lĩnh vực xử lý rác thải và nghĩa trang có 4 dự án.

Điểm đáng lưu ý là sau một thời gian thu hút mạnh các dự án FDI, đặc biệt là Tổ hợp công nghệ cao Samsung (Hàn Quốc) và các doanh nghiệp (DN) FDI phụ trợ, hiện nay, việc thu hút đầu tư vào tỉnh đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư có năng lực về tài chính trong nước tích cực nghiên cứu đầu tư vào tỉnh, như: Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn T&T, Công ty CP Tập đoàn DANKO, Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Tập đoàn TMS, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG… Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN triển khai dự án đầu tư trên địa bàn, tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc; quy hoạch chung T.P Thái Nguyên; tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của Tổ hợp Yên Bình và các quy hoạch xây dựng liên quan đến các dự án cần điều chỉnh quy hoạch phân khu. Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho nhà đầu tư, DN. Tỉnh cũng đã thành lập Tổ tiếp nhận thông tin hỗ trợ nhà đầu tư về các TTHC trong lĩnh vực đầu tư, kịp thời tham mưu giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư, bảo đảm các dự án được triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các dự án đang triển khai theo kế hoạch, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền cấp huyện làm việc trực tiếp với nhà đầu tư để thống nhất những nội dung liên quan về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai.

Sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế công nghệ cao tại Nhà máy Mani, T.X Phổ Yên.

Nhờ những giải pháp nêu trên, đến nay đã có 27 dự án đăng ký hoàn thành các thủ tục về đầu tư (như: Quyết định chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đầu tư; quyết định giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu); 34 dự án đang trong giai đoạn đề xuất, nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư. Có 8 dự án cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ bản, bước đầu đi vào sản xuất (các dự án này chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp và tập trung tại KCN Điềm Thụy); 17 dự án đang hoàn thiện các thủ tục về môi trường, đất đai, cấp phép xây dựng và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng... Đánh giá về vấn đề thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn T&T chia sẻ: Chúng tôi rất yên tâm khi lựa chọn Thái Nguyên làm “điểm đến” đầu tư. Nếu không có gì thay đổi, Tập đoàn sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý và tiến hành đầu tư 5 dự án trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2020, trong đó có 2 dự án hạ tầng nổi bật là Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 266 đoạn từ ngã tư KCN Sông Công đến ngã tư giao cắt với Quốc lộ 37; Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, đô thị sinh thái Đông Tam Đảo và tuyến đường kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. 

Về xu hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh sẽ tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện, thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; tạo động lực, sự đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Cùng với đó, thực hiện chủ trương thu hút có chọn lọc các dự án; chú trọng kêu gọi, thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; lựa chọn các dự án có quy mô lớn về du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng hồ Núi Cốc và sườn Đông Tam Đảo; các dự án có tiềm lực tài chính, sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Thu hút, phát triển các dự án phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững; kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông lâm nghiệp với những dự án có quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất...