Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ (TM-DV) chiếm 95% trong cơ cấu kinh tế của T.X Phổ Yên. Giai đoạn 2016-2019, lĩnh vực TM-DV đã có sự phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng trên địa bàn tăng từ 3.014 tỷ đồng lên 6.571 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,3%/năm (vượt mục tiêu đề ra).
Để có được kết quả trên, ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho hay: Ngoài những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý như nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài và có hệ thống đường giao thông ngày càng hoàn thiện, những năm gần đây, thị xã còn tạo điều kiện cho các dự án đầu tư trong và ngoài nước đến sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn từ đó đã giúp cho hoạt động TM-DV phát triển. Tiêu biểu nhất là sự có mặt của Tập đoàn Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình đã thu hút một lượng lớn người lao động đến làm việc, sinh sống, góp phần thúc đẩy TM-DV phát triển mạnh mẽ.
Cùng với đó, thị xã còn chú trọng hoàn thiện hạ tầng thương mại. Trong đó, có thể kể đến việc tích cực mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chợ, siêu thị trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 4 siêu thị lớn gồm Lan Chi Mart (xã Hồng Tiến); Điện máy xanh; điện máy Trung Xuân; Thế giới di động nằm trên địa bàn phường Ba Hàng, có tổng diện tích 6.570m2, kinh doanh các mặt hàng đồ điện tử, gia dụng, dịch vụ khác.
Ông Sa Văn Thìn, Giám đốc siêu thị Lan Chi Mart chia sẻ: Năm 2016, Lan chi Mart Phổ Yên đã ra đời. Với quy mô trên 2.000 mặt hàng kết hợp các dịch vụ vui chơi, ăn uống, trung bình mỗi tháng, Siêu thị thu hút từ 50.000-60.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm.
Đối với hệ thống các chợ truyền thống, hiện nay, thị xã có 12 chợ. Trong đó, có 3 chợ gồm: Ba Hàng, Bắc Sơn (phường Bắc Sơn) và An Thái Bình (phường Đồng Tiến) được doanh nghiệp đầu tư thực hiện, các chợ còn lại do UBND xã quản lý. Hằng năm, để nâng cao chất lượng TM-DV, cùng với các doanh nghiệp, thị xã đã bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các chợ truyền thống. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2019, thị xã đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để sửa chữa và nâng cấp 9 chợ, trong đó có 8 chợ nông thôn và 1 chợ do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Bà Chu Thị Oanh, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Trung Tín tại Thái Nguyên (đơn vị quản lý chợ Ba Hàng) cho biết: Hiện nay, chợ Ba Hàng đang thu hút trên 700 tiểu thương hoạt động. Năm 2019, chúng tôi đã đầu tư xây thêm 7 gian chợ mới (quy mô 60m2/ gian); nâng cấp, sửa chữa 90 vị trí tại khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 3 tuyến mương thoát nước trong khu vực chợ để giảm thiểu tình trạng ngập úng khi có mưa lớn; đảm bảo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tiểu thương… Đánh giá kết quả đạt được, theo Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, Bùi Văn Lương: Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động TM-DV vẫn còn có những khó khăn, hạn chế nhất định như nhiều sản phẩm tại các chợ truyền thống chưa đáp ứng các điều kiện về nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu; một số chợ sau khi được đầu tư, xây dựng chưa phát huy được hiệu quả (chợ Bắc Sơn, chợ An Thái Bình).
Về định hướng phát triển TM-DV trong thời gian tới, ông Bùi Văn Lương cho biết thêm: Với những lợi thế, tiềm năng có được, thị xã nhận thấy lĩnh vực TM-DV còn tiếp tục phát triển hơn nữa. Trong năm 2020, thị xã đặt mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực này thêm 8% so với năm 2019. Để đạt được kết quả này, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án xây dựng trung tâm, căn hộ thương mại; gắn phát triển thương mại của chợ nông thôn với văn hóa du lịch của địa phương; hỗ trợ kinh phí cho các xã, phường xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP; đồng thời khuyến khích các đơn vị, cá nhân tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu và mở ra cơ hội hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm…