Thoái vốn Nhà nước để “hồi sinh”

08:16, 19/01/2020

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II Công ty cổ phần (CP) Gang thép Thái Nguyên (viết tắt là Dự án TISCO II) vẫn đang bị đình trệ, nhiều hạng mục xây dựng gần xong nhưng bị bỏ giữa chừng. Mỗi khi nhắc đến dự án này, không chỉ người trong cuộc mà những ai biết đến dự án đều thấy xót xa. Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến các bộ, ngành về phương án thoái vốn Nhà nước tại Dự án TISCO II. Đây được coi là cơ hội “hồi sinh” cho dự án này.  

Nỗ lực vượt lên khó khăn

Thời gian qua, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD), vừa phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Dự án TISCO II. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự án gặp nhiều khó khăn mang tính đặc thù, các hạng mục đều chậm tiến độ. Được biết, Dự án có tổng mức đầu tư (TMĐT) ban đầu là 3.843 tỷ đồng, chia thành 2 gói thầu, trong đó gói thầu chính là thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng dây chuyền công nghệ luyện kim (hợp đồng EPC) có giá trị 160,9 triệu USD, được thực hiện bởi nhà thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Sau khi ký hợp đồng, công việc triển khai được một thời gian thì dừng lại do giá nguyên vật liệu đầu vào khi đó tăng quá cao, không thể thực hiện tiếp theo hợp đồng đã có. Vì vậy, đến tháng 5-2013, Dự án được nâng TMĐT lên hơn 8.100 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng). Thế nhưng vì một số lý do, mà nổi cộm nhất là việc nhà thầu thiếu thiện chí trong đàm phán, nên Dự án bị dừng lại từ đó đến nay. Năm 2014, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) góp vốn 1.000 tỷ đồng, đến đầu năm 2017 đã rút vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, ảnh hưởng xấu về chỉ số tài chính của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Mặc dù Công ty liên tục bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, tích cực thực hiện các giải pháp đối với Dự án nhưng chưa có kết quả. 

Dự án chậm tiến độ kéo dài, tháng 2-2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra; đến tháng 4-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một số cá nhân có liên quan, trong đó có cán bộ chủ chốt của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Điều này gây ảnh hưởng đến tư tưởng của toàn thể cán bộ, công nhân, làm giảm uy tín của đơn vị, tăng chi phí SXKD, có thời điểm đưa Công ty đến bờ vực phá sản. Đây là khó khăn, trở ngại lớn nhất đối với Công ty trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Việc Dự án “đắp chiếu” quá lâu kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm của tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên, với sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt khó vươn lên của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, sự cộng tác có trách nhiệm, chia sẻ khó khăn của các đối tác, bạn hàng đã giúp Công ty giữ được sự ổn định, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Riêng trong năm 2019, Công ty đã sản xuất được 735.800 tấn thép cán, tiêu thụ 775.700 tấn; tổng doanh thu đạt trên 13.355 tỷ đồng; nộp ngân sách trên 387 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của trên 4.200 lao động đạt 8,3 triệu đồng/người/tháng; các hoạt động chăm lo cho người lao động được quan tâm thực hiện tốt...

Cơ hội "hồi sinh" Dự án

Mặc dù tình hình SXKD giữ được ổn định nhưng theo đánh giá của Ban lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, khi Dự án TISCO II chưa được xử lý rốt ráo thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn đối với đơn vị. Cũng theo đánh giá, sau khi đã giảm tối đa thiệt hại từ Dự án nhờ những biện pháp xử lý khéo léo, phù hợp với hoàn cảnh và quy định của pháp luật trong quá khứ thì điều kiện tiên quyết hiện nay là cần có nhà đầu tư đủ tiềm lực vào tiếp nhận phần vốn Nhà nước tại Dự án.

Hy vọng này của Ban lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên là hoàn toàn có cơ sở khi mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến các bộ, ngành về phương án thoái vốn Nhà nước tại Dự án TISCO II. Và khi việc này càng được xúc tiến sớm ngày nào thì Dự án càng có cơ hội “hồi sinh”, giảm thiểu thiệt hại ngày đó. Đây là điều Công ty hết sức mong mỏi vì hiện nay, mỗi ngày riêng tiền lãi vay ngân hàng của doanh nghiệp này đã là trên 1 tỷ đồng.

Việc các cơ quan có thẩm quyền đã bắt đầu thảo luận về phương án thoái vốn Nhà nước tại Dự án TISCO II là tia hy vọng cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Chấm dứt sự lãng phí không đáng có, “hồi sinh” Dự án để từ đó Công ty tiếp tục hoạt động ổn định và phát triển là mong mỏi không chỉ riêng của những người lao động nơi đây.

Không phải ngẫu nhiên mà việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp và dự án được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Với riêng Dự án TISCO II, việc mời gọi nhà đầu tư mới ở thời điểm này có ý nghĩa sống còn đối với sự “hồi sinh” của Dự án. Theo thiết kế, Dự án sử dụng công nghệ luyện kim truyền thống (lò cao - lò thổi oxy). Mới đây, khi trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề thoái vốn Nhà nước tại dự án này, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Trên thế giới, khoảng 70% số nhà máy thép vẫn áp dụng công nghệ này. Sau nhiều năm “đắp chiếu”, phần cơ (đã xây lắp) thuộc Dự án bị thời tiết tác động, phát sinh hư hỏng, xuống cấp, cần phải chỉnh trang lại, còn phần điện vẫn trong kho bảo quản, chưa lắp đặt cho nên vẫn đạt yêu cầu chất lượng... Với một số người thiếu thiện chí thì có thể nói quá lên khi coi Dự án là đống “sắt vụn”. Nhưng hơn ai hết, với tập thể người lao động của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thì trong thời điểm hiện nay, chỉ cần thoái vốn Nhà nước, có nhà đầu tư mới là Dự án TISCO II sẽ được tái khởi động để sinh lời, từ đó giúp Công ty tiếp tục phát triển ổn định. Và việc này rất cần nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của các cấp, ngành chức năng.