Vì mục tiêu không tồn đọng hồ sơ thanh toán

17:28, 17/01/2020

Không còn cảnh xếp hàng dài chờ đến lượt để thực hiện các giao dịch trong những ngày cuối năm và quyết toán niên độ như nhiều năm về trước, nhưng từ khoảng mùng 10/12/2019 đến nay, cán bộ công chức toàn ngành Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh đang phải căng mình làm việc để giải quyết một lượng hồ sơ nhiều gấp khoảng 2,5 lần so với thời gian trước đó. Tất cả vì mục tiêu không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không rõ lý do.

Nhiều lần đến KBNN tỉnh trong những ngày gần đây, chúng tôi cảm nhận rõ không khí làm việc khẩn trương của các bộ phận, đặc biệt là phòng Kiểm soát chi. Suốt những ngày qua, nhiều cán bộ bộ phận này phải làm việc từ 7 giờ 30 phút đến tận tối muộn, thậm chí là 22-23 giờ mới được nghỉ. Lúc có khách thì thực hiện giao dịch; lúc vắng khách thì tập trung xử lý hồ sơ trên máy vi tính. Công việc cứ thế diễn ra liên tục, có khi phải một vài tiếng đồng hồ mới được dừng tay thư giãn năm ba phút.

Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, anh Lê Trọng Hiệp, Trưởng phòng Kiểm soát chi chia sẻ: Theo quy định, ngày 31-12 là thời hạn chót thực hiện khóa sổ quyết toán, còn ngày 31-1 là kết thúc thời gian chỉnh lý niên độ của năm trước. Do đó, từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 1 năm sau luôn là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm của công chức ngành Kho bạc. Trong thời gian này, nhiệm vụ của KBNN tăng lên, đa dạng và phức tạp, gây nhiều áp lực. Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán rất gần nhau, sau nghỉ Tết, chỉ còn 2 ngày là kết thúc tháng 1 nên công việc của chúng tôi lại càng căng thẳng. Chúng tôi cùng lúc phải xử lý rất nhiều công việc, như: C hỉnh lý quyết toán của các cấp ngân sách năm 2019; chi dự toán năm 2020; đối chiếu, xử lý chuẩn bị cho công tác chuyển nguồn; đối chiếu toàn bộ số dư, số phát sinh các tài khoản tiền gửi, tài khoản dự toán, dự án đầu tư…

Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh: Công tác khóa sổ quyết toán, chuyển sổ trên hệ thống TABMIS năm 2019 là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN. Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 10-2019, KBNN tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị cho công tác tổng rà soát để đối chiếu số liệu 11 tháng năm 2019 với các đơn vị có liên quan như: Cơ quan thuế, Hải quan, Tài chính, Ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản và trong nội bộ hệ thống KBNN, để thống nhất chốt số liệu và điều chỉnh các sai sót qua đối chiếu nếu có. Năm nay, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, từ tháng 10-2019, KBNN tỉnh thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sáp nhập KBNN T.P Thái Nguyên vào KBNN tỉnh, càng khiến khối lượng công việc dồn vào KBNN tỉnh lớn hơn.

Nếu như trung bình 1 ngày của các tháng trong năm, KBNN tỉnh tiếp nhận và xử lý khoảng 1,7 nghìn hồ sơ, chứng từ chi, thì hơn 1 tháng qua, con số này là trên 4.000 chứng từ, hồ sơ chi/ngày, tăng gần 2,5 lần, cá biệt trong ngày 30/12/2019 đã tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ công trực tuyến tổng số 8.875 hồ sơ, chứng từ. Để đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác trong thanh toán các khoản chi và đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền, tài sản Nhà nước giao quản lý, các công chức KBNN tỉnh luôn phải tập trung, bám sát công việc. Hệ thống KBNN từ tỉnh đến huyện đều phải tổ chức trực làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật, kể cả Tết Dương lịch và 2 ngày nghỉ tuần giáp Tết Nguyên đán (từ 18 đến 19/1/2020) để đảm bảo tiếp nhận, hỗ trợ và giải quyết kịp thời cho các tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục thanh toán. Quan điểm nhất quán trong thực hiện nhiệm vụ của ngành Kho bạc đó là tuyệt đối không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào không rõ lý do; cương quyết xử lý tùy theo mức độ vi phạm đối với những công chức không chấp hành đúng quy trình nghiệp vụ, gây phiền hà, chậm trễ trong xử lý công việc, gây khó khăn cho đơn vị giao dịch.

Với những nỗ lực trong công việc, công tác quản lý thu, kiểm soát chi của KBNN tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nếu như tính đến hết tháng 11, tổng chi ngân sách nhà nước qua KBNN tỉnh là 15,445 nghìn tỷ đồng, đạt 81% so với kế hoạch (trong đó chi đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng, bằng 64%; còn lại là chi thường xuyên, đạt 86%), thì đến hết tháng 12, con số này đã đạt 18,053 nghìn tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch (trong đó chi đầu tư đạt 3.981 tỷ đồng, đạt 83%; chi thường xuyên đạt 94%). So với bình quân chung toàn quốc, tổng chi ngân sách của Thái Nguyên cao hơn trung bình chung cả nước là 20%. Cùng với đó, KBNN tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả các giải pháp trong công tác thu ngân sách, hạch toán đầy đủ, kịp thời, điều tiết chính xác các khoản thu cho ngân sách nhà nước, với tổng thu trong năm 15.631 tỷ đồng, bằng 104,2% dự toán được giao…

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, một trong những thành công trong năm qua của KBNN tỉnh chính là triển khai dịch vụ công trực tuyến đến tất cả các đơn vị KBNN cấp huyện. Trong khi theo yêu cầu của KBNN Trung ương, năm 2019 chỉ phải triển khai loại dịch vụ này đến KBNN thành phố, thị xã, còn KBNN cấp huyện có thể kéo dài đến hết tháng 11-2020. Tuy nhiên, KBNN Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ tại tất cả KBNN cấp huyện. Điều này đã, đang và sẽ giúp việc xử lý hồ sơ, chứng từ chi đối với các đơn vị sử dụng ngân sách trở nên thuận lợi rất nhiều, đồng thời giúp chủ tài khoản kiểm soát được số dư tài khoản của đơn vị mình cũng như biết được tình trạng hồ sơ nộp vào tại KBNN đang được giải quyết đến đâu thông qua phần mềm cảnh báo rủi ro đã triển khai đến các đơn vị sử dụng ngân sách. Tính đến cuối năm 2019, đã có 1.396/1.406 đơn vị sử dụng dịch vụ này, đạt tỷ lệ 99,3%. Đến nay, chứng từ thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến đã đạt trên 70% so với tổng số chứng từ phát sinh qua KBNN. Kết quả này sẽ là tiền đề quan trọng để KBNN Thái Nguyên thực hiện thành công mục tiêu chiến lược trở thành kho bạc số vào cuối năm nay.