Đồng hành cùng khách hàng trong ứng phó Covid-19

10:59, 13/02/2020

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) gây ra với diễn biến phức tạp, khó lường, gây tử vong cao đã tác động không nhỏ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngành ngân hàng (NH) đã, đang và sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh này, bởi đại đa số doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân - những khách hàng của NH đều phải chịu tác động theo hướng tiêu cực. Trong bối cảnh này, nhiều giải pháp đã được các NH triển khai vừa nhằm ứng phó với dịch bệnh, vừa nhằm chia sẻ khó khăn cho khách hàng, giúp cả NH và khách hàng cùng vượt qua thời kỳ khó khăn để phát triển.  

Hiện hữu nguy cơ không tăng trưởng

Nếu như chỉ cách đây khoảng nửa tháng, khi Covid-19 chưa là mối quan ngại của thế giới thì đại diện lãnh đạo nhiều NH trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá lạc quan với việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay. Tuy nhiên, từ khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp với dịch bệnh này, cùng với đó là những diễn biến ngày càng phức tạp thì nhận định chung được nhiều người đưa ra đó là rất khó để đoán định được các chỉ tiêu tăng trưởng. Thậm chí nếu dịch bệnh kéo dài thêm từ 1-2 tháng, thì khả năng không có tăng trưởng rất dễ xảy ra.

Theo các nhà phân tích, chỉ số ít lĩnh vực liên quan đến công tác phòng, chống dịch là có cơ hội phát triển, còn lại đều bị tác động theo hướng tiêu cực. Trong đó, rõ rệt và trực tiếp nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực: Du lịch, thương mại (nhà hàng, khách sạn), giao thông vận tải và các DN có thị trường tiêu thụ cũng như nhập khẩu nguyên, vật liệu từ các nước có dịch… Chính sự ảnh hưởng này nên nguy cơ tăng nợ xấu và khó tăng tín dụng là điều khó tránh, do các DN không có hoặc có ít nhu cầu gia tăng nguồn vốn do hoạt động sản xuất kinh doanhh bị ngưng trệ, thậm chí là phá sản. Và hệ lụy đi kèm là những NH có số khách hàng thuộc đối tượng này sẽ trực tiếp bị tác động.

Nhiều giải pháp ứng phó và sẻ chia

Là một trong những NH có dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh lớn nhất trên địa bàn tỉnh, với trên 11 nhìn tỷ đồng trong tổng số 11,5 nghìn tỷ đồng tổng dư nợ đến thời điểm cuối tháng 1, trong đó, dư nợ cho vay DN chiếm tới 8,6 nghìn tỷ đồng, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên cho rằng: Chính sự nguy hiểm và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội của Covid-19, đã buộc các NH phải nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để thích ứng. Đối với BIDV, từ ngày 7-2, đã triển khai đến khách hàng Chương trình Chung tay đẩy lùi Corona. Theo đó, BIDV khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện việc hỗ trợ, tạo thói quen cho khách hàng trong việc sử dụng các giao dịch online; cộng 0,2% lãi suất/năm đối với tất cả các kỳ hạn so với mức lãi suất tiền gửi tại quầy; tặng tiền tương đương mức phí giao dịch của khách trên trên NH điện tử… Cùng với đó, theo chỉ đạo của BIDV, Chi nhánh Thái Nguyên đang tiến hành thống kê mức độ ảnh hưởng của khách hàng, để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Cũng theo ông Hà Mậu Quý: Tính đến ngày 10-2, ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến Chi nhánh sụt giảm tới 18% doanh thu từ dịch vụ so với cùng kỳ. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì chắc chắc mức độ ảnh hưởng sẽ còn nặng nề hơn.

Còn theo ông Trần Thùy Dương, Giám đốc NH TMCP Ngoại thương (VCB) Chi nhánh Thái Nguyên - đơn vị cũng có dư nợ cho vay DN lớn, thì: Ngay khi có chỉ đạo của NH Nhà nước, ngày 10-2, VCB đã có văn bản triển khai chính sách hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể: Từ ngày 11-2 đến 30-4, những khách hàng kinh doanh thuộc các lĩnh vực: Vận tải kho bãi; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; có hoạt động xuất nhập khẩu lớn với Trung Quốc… (theo danh sách mà VCB quy định), sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời gian trả nợ; không tính lãi suất phạt quá hạn; giảm lãi suất từ 1-1,5% đối với tiền vay VNĐ và 0,5-0,75% đối với khoản vay USD (tùy kỳ hạn). Đối với khoản vay mới cũng được VCB áp dụng mức giảm tối đa 1%/năm đối với VNĐ và 0,5%/năm nếu đủ điều kiện vay vốn của VCB… Ngoài ra, nhiều NH cũng đã đưa ra các chính sách hỗ trợ và ưu đãi dành cho các nhóm khách hàng, cũng như từng sản phẩm dịch vụ nhằm ứng phó với Covid-19.

Tìm cơ hội trong rủi ro

Đồng tình với các nhận định trên, song ở một góc độ khác, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho rằng: Bên cạnh những tác động tiêu cực thì đây là cũng được xem là thời cơ để các NH có điều kiện gia tăng khách hàng sử dụng dịch vụ NH điện tử. Qua đó thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ, mà lâu nay chúng ta vẫn còn gặp khó khăn trong triển khai.

Còn theo ông Trần Thùy Dương, đây chính là thời điểm VCB Thái Nguyên có điều kiện để quan tâm hơn đến khách hàng của mình, đặc biệt là khách hàng DN, trong đó có việc tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, cũng như đánh giá, phân tích chất lượng khách hàng; khảo sát thị trường để tìm kiếm khách hàng mới, nhất là khách hàng “trong ngõ” - bởi đây sẽ là khách hàng tiềm năng trong tương lai, khi mà việc mua, bán online đang ngày càng phổ biến. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm Chi nhánh dành nhiều sự quan tâm đến đào tạo tại chỗ, chuẩn bị cho đại hội đảng bộ cấp cơ sở và Hội thi văn hóa VCB năm 2020...

Đối với các DN, theo một số chuyên gia kinh tế, sự tác động của dịch bệnh sẽ buộc họ phải nhìn nhận lại cách thức tổ chức, mô hình hoạt động, khả năng quản trị hoặc ít ra cũng rút ra bài học kinh nghiệm nào đó, như “không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ” và nghĩ tới việc bổ sung ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để có sự tương hỗ khi một lĩnh vực gặp khó - Tất nhiên đó phải là lĩnh vực mà DN kiểm soát được… Và biết đâu đó, sẽ có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo; sản phẩm mới lạ, hiệu quả sẽ được tìm ra sau đợt dịch bệnh mang tên Covid-19.