Dịch COVID-19 có ảnh hưởng trực tiếp tới toàn ngành du lịch. Thị trường sụt giảm mạnh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch buộc phải hủy bỏ các hợp đồng tuor, bán, giao hàng, đặt ăn, uống với du khách. Hàng nghìn lao động trong ngành du lịch của tỉnh không có việc làm. Mùa cao điểm du lịch trở nên buồn tẻ, các điểm đến thưa vắng du khách; các điểm bán hàng lưu niệm vắng bóng người mua.
Dù dịch bệnh mang tên COVID-19 chưa xuất hiện ở Thái Nguyên, nhưng vì sức khỏe của bản thân, đồng thời là trách nhiệm của mỗi người hưởng ứng, tham gia phòng, chống dịch bệnh, nên tự ý thức hạn chế di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Du lịch - Khách sạn Dạ Hương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thở dài: Một không khí ảm đạm bao trùm ngành du lịch. Và chưa bao giờ ngành du lịch bị thất thu vào đúng mùa cao điểm du lịch như năm nay. Với riêng Công ty, không những vắng khách đặt tuor, mà cả những tuor du khách đã đặt tiền cọc cũng xin rút, trong đó có 7 tuor, hơn 100 người đăng ký đi tham quan du lịch sang Trung Quốc vào tháng 4 năm nay phải hủy bỏ. Các hoạt động của Công ty như nhận đặt vé máy bay, cho thuê phương tiện cũng gần như đóng băng. Doanh thu của Công ty sụt giảm nặng, nếu như cùng kỳ năm trước đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng, thì năm nay chỉ đạt khoảng 150 triệu đồng.
Hầu hết các đơn vị thành viên của Hiệp hội chịu chung cảnh ế ẩm. Hàng chục tuor, tuyến đi tham quan, du lịch trong nước và quốc tế, với hơn 1.000 khách; hàng chục đơn đặt hàng khai xuân cho hàng nghìn thực khách tại các nhà hàng ẩm thực phải hủy bỏ hợp đồng. Một số nhà hàng có dự định khai xuân vào ngày 10 tháng Giêng (tức ngày 3-2), nhưng đã lui lại và dự kiến sẽ mở hàng vào đầu tháng 3 để chào đón Ngày Quốc tế phụ nữ. Một số nhà hàng ẩm thực khác cẩn trọng hơn, chưa đưa ra dự kiến mở hàng năm nay, mà nêu chủ ý sẽ khai trương cửa hàng khi dịch COVID-19 chấm dứt hẳn.
Không chỉ nhà hàng ẩm thực thiếu vắng du khách cầm thực đơn, gọi món mà các đơn vị kinh doanh ở lĩnh vực lưu trú cũng buồn tẻ. Điện thoại đặt phòng câm lặng, không đổ chuông, nhân viên tiếp tân ngóng nhìn ra ngoài sảnh buồn bã. Các ông, bà chủ như ngồi trên đống lửa. Các khách sạn 3 sao, 2 sao và hầu hết các nhà nghỉ… công suất phòng đạt dưới 10%. Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tranh đá quý Dũng Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cho biết: Đơn vị có nhiều sản phẩm du lịch như nhà hàng ẩm thực, khuôn viên cây cảnh và bán hàng lưu niệm… song những ngày này gần như không có khách… Không có “thượng đế”, người lao động tại các đơn vị tham gia làm du lịch cũng không thể nghỉ, hằng ngày đến công ty đợi việc. Rảnh rỗi, ngồi chơi “phây”, xem Zalo, chơi điện tử và… chấm công.
Điều chúng tôi ghi nhận được từ các đơn vị tham gia hoạt động ở lĩnh vực du lịch là có nhiều động thái tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh. Hầu hết sảnh chính của các khách sạn, nhà nghỉ đều được bố trí sắp đặt xà phòng, dung dịch rửa tay khô sát khuẩn nhanh, chậu nước rửa tay và có nhân viên hướng dẫn cho du khách rửa tay, đeo khẩu trang để phòng phát tán dịch bệnh.
Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cũng sớm có công văn hướng dẫn gửi đến đơn vị thành viên về việc thực hiện các công điện của Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch của UBND tỉnh về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc vận động các đơn vị thành viên tuyên truyền, hướng dẫn du khách, người lao động thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang và phối hợp với ngành y tế thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng; tạm dừng tổ chức đưa, đón khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch; không đón khách du lịch đến từ Trung Quốc; bảo đảm an toàn cao nhất cho du khách.
Trước những khó khăn và thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên kiến nghị, đề nghị các cấp, ngành chức năng của tỉnh có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh về việc giảm thuế, giãn thuế, giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp du lịch (Lữ hành, lưu trú, vận chuyển…); xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ nay cho đến khi hết dịch bệnh để kích cầu du lịch; hỗ trợ kinh phí và tổ chức các hội thảo du lịch chuyên đề, các khóa đào tạo cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp du lịch về công nghệ 4.0, xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam và kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng; các lớp đào tạo về nghiệp vụ xử lý khủng hoảng trong du lịch, khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh và các kỹ năng về nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên…