Phát triển làng nghề gắn với du lịch, một giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Cách làm này mang lại lợi ích kép cho cư dân các làng nghề truyền thống. Bởi cùng tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân còn là cách gìn giữ, bảo tồn, quảng bá và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua hoạt động du lịch.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 238 làng nghề truyền thống, trong đó, 216 làng nghề chè, còn lại là các làng nghề chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, sinh vật cảnh, gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng... với tổng số gần 12.000 hộ, gần 23.000 lao động tham gia làm nghề; trong đó có 105 làng nghề được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận làng nghề. Với ngành Du lịch, đây là cơ hội tăng thêm thu nhập. Bởi giữa ngành Du lịch và làng nghề có sự phối hợp chặt chẽ sẽ tạo được tuor tuyến du lịch mới lạ, hấp dẫn đối với du khách thích trải nghiệm. Ở đó, du khách được tận hưởng cảnh đẹp tự nhiên và người làng nghề có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm.
Theo bà Phạm Thu Hương, Phó Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Các làng nghề đều mang nét đẹp văn hóa riêng biệt, tạo nên điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, vãn cảnh, qua đó quảng bá sản phẩm của làng nghề đến bạn bè trong nước, quốc tế. Hiện, một số làng nghề, chủ yếu là làng nghề chè ở vùng Tân Cương (T.P Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ), Minh Lập (Đồng Hỷ) đã tiếp đón các tuor du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm cùng nông dân. Nhưng hiệu quả kinh tế bước đầu từ tham gia làm du lịch chưa đạt như ý muốn, nên hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản phát triển kinh tế đơn thuần, chưa chú ý khai thác nguồn lợi từ thị trường du lịch, mà chỉ quan tâm đến thị trường thuần túy.
Ông Bùi Trọng Đại, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), một trong số ít cơ sở sản xuất ở vùng chè Tân Cương mạnh dạn tham gia làm du lịch gần 10 năm nay. Ông cho biết: Bình quân 1 năm có gần 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều du khách phấn khích khi được tham gia các hoạt động cùng gia đình, như đi hái chè, sao chè, lội ao bắt cá và nấu ăn. Ngoài các hoạt động này, gia đình còn tổ chức cho du khách đạp xe qua một số nương chè lên hồ Núi Cốc rồi trở lại. Gia đình cũng đầu tư làm một số phòng nghỉ đảm bảo chất lượng, nhưng chưa có du khách nào lưu trú qua đêm.
Để tạo cảnh quan môi trường sinh thái xanh, sạch và đẹp mắt, ông Đại đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng không gian du lịch, như việc cải tạo khu đất trũng thành hồ nước, bên hồ có các lán chòi thưởng trà, hóng mát. Và ấn tượng là hàng cau bên đường vào cổng vươn cao, thẳng tắp gợi nhớ về những kỷ niệm ấu thơi nơi miền thôn dã. Cùng ở vùng chè Tân Cương, gia đình ông Trần Văn Thắng đã đầu tư một khoản tiền không nhỏ để tạo cảnh quan, bắt mắt du khách. Ông Thắng cho biết: Hàng nghìn du khách đến tham quan nương chè và trải nghiệm cuộc sống lao động cùng gia đình, họ được thưởng trà miễn phí và tìm hiểu về cây chè, kỹ thuật chế biến chè và nghệ thuật pha trà, thưởng trà. Thu nhập của gia đình về du lịch chính là việc du khách mua chè về dùng hoặc làm quà cho người thân, bè bạn ở nhà. Nhiều du khách không có điều kiện quay trở lại, song đặt mua chè của gia đình qua điện thoại và chuyển khoản qua thẻ.
Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng cho biết: “Tuy lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề chè chưa nhiều, người dân chưa có thu nhập cụ thể từ du khách. Nhưng nguồn lợi vô hình rất lớn là quảng bá được thương hiệu sản phẩm. Du khách đến thăm, thưởng trà và tự quảng bá sản phẩm của La Bằng đến với người tiêu dùng trong nước, quốc tế”. Tại làng nghề chè Cà Phê 1, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) chúng tôi được ông Quách Văn Mai chia sẻ: Người dân ở làng nghề chúng tôi đã ý thức tạo dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Vì thương hiệu là “linh hồn” để sản phẩm chè của làng nghề đứng được trong thị trường. Giải pháp hiệu quả nhất vẫn là việc thông qua sự quảng bá của du khách.
Qua du khách, sản phẩm làng nghề lặng lẽ “thẩm thấu” vào trí nhớ của người tiêu dùng ở phạm vi rộng rãi hơn, tạo nên thương hiệu sản phẩm. Ví như sản phẩm chè của Thái Nguyên từ lâu được dân gian mệnh danh “Đệ nhất danh trà”. Trong xu thế hội nhập, phát triển, các làng nghề truyền thống đang dần khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá tinh thần. Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch là giải pháp hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhưng để trở thành hiện thực, các làng nghề mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành chức năng của tỉnh trong hỗ trợ đầu tư xây dựng cảnh quan, môi trường; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để hình thành một đội ngũ làm du lịch tại chỗ; có kỹ năng ứng xử với du khách; từng bước hướng đến tư duy mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch.