Rau an toàn - Đến bao giờ người tiêu dùng mới thực sự tin dùng?

16:05, 28/02/2020

Sau ba năm tôi trở lại Hợp tác xã Rau an toàn Hùng Sơn (HTX), thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), câu chuyện mới nhưng lại khiến tôi trăn trở về một điều “đã cũ” đó là thị trường tiêu thụ rau an toàn vẫn là một bài toán khó? Trong những ngày dịch COVD-19 hoành hành, lan rộng ở nhiều nước trên thế giới, không chỉ những doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng mà một HTX nhỏ bé cũng chịu chung “số phận”. Và chính trong thời điểm này, Ban Quản trị HTX mới càng nhận thức rõ ràng hơn, người dân vẫn chưa thật sự tin dùng, một số lượng rau ế ẩm, khi những khách hàng lớn (những trường có bếp ăn bán trú trên địa bàn huyện) tạm ngừng đặt hàng vì học sinh nghỉ học.

HTX Rau an toàn Hùng Sơn được thành lập năm 2017 với 10 thành viên, có vai trò tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hỗ trợ... những hộ dân chuyển từ trồng rau theo lối truyền thống sang sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì sức khỏe người tiêu dùng. HTX có trách nhiệm đứng ra bao tiêu sản phẩm, chỉ cần người sản xuất phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản... dưới sự giám sát của các đội mà HTX đã phân công các thành viên tham gia. Đến nay, đã có hơn 80 hộ dân thuộc các xóm 5, 6 và xóm 18 (thị trấn Hùng Sơn)... tham gia với diện tích chuyên canh trên 30ha, đảm bảo cung ứng từ 3-4 tạ rau/ngày với đa dạng các loại rau, củ, quả theo 4 mùa trong năm; 56 hộ đã được cơ quan chức năng công nhận sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Huyện Đại Từ cũng đã bố trí cho HTX một quầy hàng ở chợ Trung tâm Thị trấn để cung ứng rau an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cho thấy, việc tiêu thụ rau, củ, quả  tại quầy hàng này rất chậm, thậm chí có hôm bị tồn với số lượng lớn. Chưa kể, sau 3 năm, rau, củ, quả của HTX cũng vẫn chưa “vào” được các siêu thị, nhà hàng, công ty có bếp ăn tập thể..., mà hiện tại, mới chỉ “đến” được các bếp ăn bán trú của một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện. Sau 3 năm hoạt động, HTX vẫn loay hoay giải bài toán thị trường đầu ra cho sản phẩm rau an toàn. Đâu là nguyên nhân?

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hùng Sơn cho rằng: Vấn đề mấu chốt vẫn là giá cả và cách quản lý của các cấp ngành chức năng chưa thật sự triệt để. Rau, củ, quả sản xuất theo cách truyền thống của người dân (có thể nói là chưa an toàn) vì không được giám sát chặt chẽ, có người vẫn dùng phân hóa học, thậm chí là phân tươi, nước bẩn từ cống rãnh, ao tù... để tưới cho rau, nhưng vẫn được bán tràn lan ở các chợ, nhưng người tiêu dùng lại rất khó phân biệt giữa rau an toàn và không an toàn. Người sản xuất rau an toàn cũng chưa có phương pháp, cách thức để chứng minh rau của mình là “sạch” thật sự, chưa tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, giá rau đạt tiêu chuẩn VietGAP thường cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg. Trước những nguyên nhân như vậy, chúng tôi sẽ từng bước đề ra những giải pháp, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng từng bước tháo gỡ khó khăn để HTX duy trì sản xuất và ngày càng phát triển, vì sản xuất rau an toàn nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn nói chung là xu hướng phát triển tất yếu, hướng đến một nền sản xuất hàng hóa bền vững, vì sức khỏe người tiêu dùng. Trong quá trình hình thành, phát triển của HTX, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành rất lớn của Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi pháo - Masan Tài nguyên (Công ty Núi Pháo) trong các khâu, như: Tập huấn kỹ thuật; tham quan mô hình điểm; hỗ trợ đào giếng khơi lấy nước tưới... Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ phía Công ty.

Thực tế tại cánh đồng rau xóm 6, chúng tôi thật sự mãn nhãn với những luống rau thẳng hàng ngay lối, được quy hoạch khoa học, quy củ, xanh non mơn mởn với nhiều loại, như: Cải xanh, cải ngồng, cải bắp, rau mùi, hành, tỏi... được người nông dân chăm sóc bài bản, kỹ càng trong hệ thống nhà lưới. Anh Hoàng Huy Hiệp đang thu hoạch rau, dừng tay tiếp chuyện chúng tôi. Anh cho biết: Gia đình tôi có 6 sào rau hoàn toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn bởi chúng tôi hoàn toàn sử dụng phân bón hoai mục, chế phẩm sinh học, tưới rau bằng nước giếng khơi và thu hoạch theo đúng thời gian quy định. HTX xã đứng ra bao tiêu 100% sản lượng rau của gia đình. Tuy nhiên, trong thời gian có dịch COVID-19, các trường học tạm nghỉ, HTX khó khăn trong khâu tiêu thụ, nên giá rau giảm, chúng tôi phải mang bán ngoài chợ rất chật vật vì không cạnh tranh được với rau không an toàn. Ví dụ như rau cải xanh, dịp giáp Tết có giá hơn 20 nghìn/kg, nay chỉ bán được 8 nghìn/kg, trong khi rau sản xuất theo phương pháp truyền thống lại chỉ có giá 5-6 nghìn/kg.

Trước thực trạng này, anh Trần Văn Hạnh, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Hùng Sơn cho biết: Tuy khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc, tích cực động viên bà con con sản xuất rau an toàn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Công ty Núi Pháo tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ bà con đào thêm giếng khơi đảm bảo cung cấp đủ nước sạch tưới cho rau. Đồng thời, HTX tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm rau, củ, quả theo nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Vẫn biết rằng muốn được người nội trợ tin dùng, điều tiên quyết người sản xuất phải khẳng định được chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, khi sự lựa chọn vẫn có xu hướng nghiêng về “rau giá rẻ” thì lại nằm ở nhận thức của người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng niềm tin, các cấp, ngành chức năng cũng cần tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân nên lựa chọn sản phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.