Những năm qua, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra (KH) nhưng năm nay, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, rất có thể, nhiều chỉ tiêu sẽ không đạt. Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu hiện nay, việc cần làm nhất lúc này đó là tăng cường các giải pháp để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của dịch bệnh.
Từ cuối tháng 3, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Đối với Thái Nguyên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên trong quý I/2020, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh giảm so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của các ngành chức năng, ảnh hưởng lớn nhất là sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất điện tử và may mặc (hai ngành mũi nhọn của tỉnh), do thiếu nguyên liệu, phụ kiện, phụ trợ cho sản xuất (chủ yếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc); thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp do giao thương bị hạn chế ở các thị trường châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… (vốn là những thị trường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của tỉnh). Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I/2020 ước giảm 3,7% so với cùng kỳ. Đây là năm đầu tiên kể từ năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp quý I của tỉnh giảm so với cùng kỳ.
Tiếp đến là hoạt động xuất, nhập khẩu. Tính chung 3 tháng đầu năm, giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh ước đạt 5,5 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách, hoạt động bán buôn, bán lẻ đều giảm so với cùng kỳ… Đã có 204 doanh nghiệp, 4 chi nhánh doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 112 doanh nghiệp, 18 chi nhánh DN đóng mã số thuế. So với cùng kỳ, số DN tạm ngừng hoạt động tăng 12,4%, số DN đóng mã số thuế tăng 73,3%; số lao động trong DN công nghiệp giảm 5,8%...
Trên cơ sở một số kịch bản diễn biến của dịch bệnh, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Nếu dịch COVID-19 ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 6-2020, thì giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả năm nay ước đạt 763.000 tỷ đồng, bằng 95% KH năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 25,56 tỷ USD, bằng 86,6% KH năm... Còn nếu dịch ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 12 thì giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 560.000 tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ, bằng 69,7% KH năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 22,154 tỷ USD, bằng 75,1% KH năm.
Cùng chung đánh giá với Giám đốc Sở Công Thương, theo ông Đỗ Trọng Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Nếu hết quý II, nước ta ngăn chặn được dịch bệnh và các quốc gia trên thế giới cũng khống chế được dịch bệnh từ quý III, thì dự kiến tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm 2020 do Cục Thuế Thái Nguyên thực hiện ước đạt 10.030 tỷ đồng, bằng 88% dự toán pháp lệnh, bằng 78% so với cùng kỳ, giảm khoảng 1.300 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao, giảm khoảng 2.300 tỷ đồng so với dự toán tỉnh giao. Trường hợp dịch bệnh kéo dài sang quý III, thì khả năng ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ lớn hơn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì cho rằng: Hiện dịch bệnh cũng đã tác động đến tất cả các lĩnh vực của sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh sớm được khống chế thì cơ bản, toàn ngành vẫn có khả năng phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục biến biến phức tạp, lây lan ra diện rộng thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng.
Nguồn thu thuế bảo vệ môi trường (chủ yếu từ hoạt động kinh doanh xăng dầu) tháng 3 chỉ bằng 72% so với số trung bình tháng 1, 2-2020. Ảnh: Trong tháng 3, lượng khách mua xăng tại một cửa hàng của Công ty xăng dầu Bắc Thái giảm mạnh.
Nhìn nhận một cách tổng thể, theo ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh: Rất khó để các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 của tỉnh có thể hoàn thành. Tuy nhiên, mới chỉ kết thúc quý I nên việc đưa ra dự báo cho cả năm là còn sớm. Nếu dịch bệnh này được khống chế trong quý II/2020; dịch tả lợn châu Phi được khống chế hoàn toàn, tái đàn lợn thành công; chăn nuôi gia cầm tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; hoạt động xuất khẩu lấy lại được đà tăng trưởng; tỉnh thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chỉnh phủ đã đề ra như giải ngân hết vốn đầu tư công và triển khai sớm các chính sách về thuế, vốn vay, lãi suất… để hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hệ thống phân phối, lưu thông cung cấp đầy đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau dịch COVID-19 thì vẫn có khả năng hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của tỉnh. Tuy vậy, điều đó là rất khó khăn.
Trước thực trạng khó khăn mà các ngành, các lĩnh vực và mọi người dân đang phải đối mặt, trong nhiều cuộc họp của tỉnh, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh luôn nhất quán trong chỉ đạo đó là phải thực hiện cho được nhiệm vụ “kép”, đó là vừa quyết liệt phòng, chống dịch; vừa tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà tỉnh quan tâm thực hiện trong lúc này đó là tập trung cho công tác phòng, chống dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân. Mặt khác, tỉnh cũng đang nỗ lực để thực hiện những giải pháp mà Chính phủ đưa ra, như: Gia hạn tiền thuê đất, gia hạn nộp thuế, phí, lệ phí; bảo hiểm xã hội; hỗ trợ lãi suất vốn vay… để góp phần cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh duy trì hoạt động.
Các sở, ngành, cũng đang tăng cường các giải pháp nhằm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, hoàn thành các công trình, dự án, trong đó có các dự án phục vụ sản xuất công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất trong những tháng còn lại của năm và những năm tiếp theo...