Tiếp sức cho doanh nghiệp FDI

11:31, 18/04/2020

Do tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) nói chung, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước thực tế này, các DN FDI mong muốn sớm được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng cho DN của Chính phủ cùng nhiều giải pháp hỗ trợ khác để tăng thêm “sức đề kháng”, ổn định sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.  

Thị trường xuất khẩu "đứt gãy"

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu của các DN FDI trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn bởi việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ bị “đứt gãy”. Trong điều kiện đó, nhiều DN đã phải cho công nhân tạm thời nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên để duy trì sản xuất cầm chừng. Theo thống kê của Sở Công Thương, trong quý I năm nay, giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 5,53 tỷ USD, chỉ bằng 18,8% kế hoạch năm và giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu của các DN FDI đạt trên 5,44 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ, tập trung ở các nhóm ngành điện tử, sản xuất phụ tùng xe máy, ô tô, thiết bị y tế…

Một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của các DN FDI trên địa bàn tỉnh là hàng điện tử, trong quý I năm nay giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như giá trị xuất khẩu sản phẩm điện thoại thông minh đạt trên 2,97 tỷ USD, giảm 35,6%; máy tính bảng đạt trên 494 triệu USD, giảm 24,9%. Nguyên nhân là do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) cùng các DN phụ trợ đều gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu. Ví dụ, Công ty TNHH RFTech Thái Nguyên (ở Khu công nghiệp Điềm Thụy, là DN phụ trợ cấp 1 cho SEVT) đã và đang phải chịu ảnh hưởng “kép” của dịch COVID-19, từ cả chiều nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất đến xuất khẩu hàng hóa. Trong quý I năm nay, sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty sụt giảm tới 30% so với kế hoạch; về nhân sự bị biến động (khoảng 20% công nhân nghỉ việc tạm thời), gây khó khăn thêm cho việc điều hành duy trì sản xuất. 

Thị trường xuất khẩu bị “đứt gãy” cũng gây nhiều khó khăn đối với Công ty TNHH Mani Hà Nội (T.X Phổ Yên), đơn vị có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản. Từ nhiều tháng nay, mặt hàng thiết bị y tế của Công ty chất đầy trong kho vì chưa thể xuất bán sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, từ ngày 1-4, Công ty buộc phải cho 300 công nhân nghỉ việc tạm thời để chờ đợi thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại. Còn với Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên (Khu công nghiệp Điềm Thụy) - đơn vị chuyên gia công cơ khí, tôi cao tần trục cam của các hãng xe máy Yamaha, Honda - chỉ bố trí cho công nhân duy trì sản xuất từ 3-5 ngày/tuần do đối tác của Công ty tại Nhật Bản đang tạm dừng sản xuất.

Hỗ trợ kịp thời dể "tiếp sức" cho DN

Do thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, hiện nay, giải pháp phổ biến được nhiều DN FDI trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện là duy trì sản xuất cầm chừng, cho một bộ phận công nhân tạm thời nghỉ việc hoặc nghỉ việc luân phiên, đồng thời trích quỹ dự phòng để bù lỗ chi phí sản xuất. Đây cũng là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các DN nói chung.

Trước thực trạng này, các DN mong muốn sớm được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng cho DN theo nội dung Chỉ thị số 11/CT-TTg của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19. Cùng với đó, theo ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH RFTech Thái Nguyên, ngành chức năng nên sớm có hướng dẫn cụ thể về những điều kiện để DN được hưởng gói tín dụng nêu trên; gia hạn thêm thời gian vay vốn theo gói tín dụng để các DN có thêm điều kiện tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện nay. Bên cạnh việc tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng, đại diện nhiều DN FDI cũng mong được các ngành chức năng kịp thời hỗ trợ hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác, như: Gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (nếu có); giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tại DN từ 3-6 tháng... Từ đó giúp các DN vơi bớt gánh nặng, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Đối với việc triển khai gói hỗ trợ tín dụng nêu trên của Chính phủ, mới đây, Sở Công Thương đã có văn bản trình Bộ Công Thương về vấn đề sớm kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc tính toán mức độ, đối tượng được hưởng, đồng thời hướng dẫn cụ thể việc thực thi chính sách hỗ trợ tín dụng cho các DN. Về chỉ tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong năm nay, Sở Công Thương đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng: Nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết tháng 6 tới thì giá trị xuất khẩu của tỉnh có khả năng sẽ đạt 95% kế hoạch năm; còn nếu dịch kéo dài đến hết năm thì chỉ tiêu này sẽ đạt khoảng 70%. Để hoàn thành chỉ tiêu này ở mức cao nhất có thể, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của cộng đồng DN nói chung, các DN FDI trên địa bàn nói riêng…

Được biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu hàng hóa và đề xuất các biện pháp hỗ trợ DN. Đặc biệt, Bộ Công Thương tập trung vào việc thông qua kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2020, hướng đến rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc...