Hướng tới chăn nuôi an toàn theo chuỗi liên kết

16:44, 16/05/2020

Ngày 16-5, Đoàn công tác liên ngành của UBND tỉnh đã có buổi làm việc tại huyện Đại Từ về việc triển khai thực hiện Đề án “Quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Thái Nguyên” trên địa bàn huyện (viết tắt là Đề án).

Thực hiện Đề án, đến nay, huyện Đại Từ có 128 cơ sở thực hiện giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, trong đó có 2 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ được cấp phép hoạt động. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã xóa bỏ 57 cơ sở là các hộ giết mổ động vật nhỏ lẻ không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chiếm 30,8%. Trên địa bàn huyện không có điểm giết mổ động vật trên lòng đường, hè phố. Huyện đã triển khai tới 185 hộ kinh doanh (đạt 100%) ký cam kết việc thực hiện các quy định trong trong giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Đồng thời, thực hiện tập huấn, tuyên truyền về các nội dung liên quan đến Đề án; tổ chức tham quan, học tập các mô hình giết mổ động vật cho các chủ hộ giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn huyện; quy hoạch 12 điểm giết mổ động vật trên địa bàn huyện trong Quy hoạch chăn nuôi của huyện…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án trên địa bàn hiện đang gặp phải nhiều khó khăn như: Nhận thức của người chăn nuôi, người kinh doanh, người tiêu dùng về sản phẩm động vật còn chưa đầy đủ; doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ; nguồn quỹ đất quy hoạch cho xây dựng các cơ sở giết mổ động vật còn hạn hẹp…

Nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; khuyến khích hình thành các cơ sở, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, chăn nuôi theo quy trình VietGAP…