Kinh tế rừng ở Võ Nhai và bài toán nâng cao giá trị

14:50, 23/05/2020

Là địa phương có tiềm năng về lâm nghiệp, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Võ Nhai luôn coi trọng phát triển kinh tế rừng. Diện tích trồng rừng của huyện hằng năm đều vượt kế hoạch, nhưng giá trị kinh tế từ rừng vẫn thấp do nhiều nguyên nhân.  

Xóm Bản Chấu thuộc xã vùng cao Sảng Mộc có tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 500ha và cơ bản đã được người dân trồng rừng. Anh Trịnh Đức Kim, Trưởng xóm nói: Những năm trước, do giao thông khó khăn (chỉ có thể đi xe máy đến trung tâm xóm) cộng với chưa nhận thấy giá trị kinh tế từ trồng rừng nên người dân không mấy quan tâm. Bà con sống chủ yếu dựa vào cấy lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, đất rừng phần lớn để cây mọc tự nhiên. Khoảng 5-6 năm trở lại đây, khi Nhà nước có các dự án hỗ trợ, lại được xã, xóm tuyên truyền, kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật nên người dân rất tích cực trồng rừng. Nhiều diện tích rừng trong xóm sắp được khai thác và sẽ là nguồn thu lớn cho bà con, đường xá cũng thuận lợi hơn nên việc vận chuyển gỗ khá dễ dàng… Được biết, 5 năm qua, cả xã Sảng Mộc trồng được 586ha rừng sản xuất, gấp 5 lần nhiệm kỳ trước. 

Ở những nơi có điều kiện tự nhiên và giao thông thuận lợi hơn (các xã dọc Quốc lộ 1B và phía Nam huyện), phong trào trồng rừng phát triển mạnh, nguồn thu từ rừng ngày một lớn. Xóm Làng Phật, xã Phú Thượng có khoảng 200ha đất rừng cơ bản đã được người dân trồng rừng sản xuất. Tình trạng để đất trống, cây mọc tự nhiên hoặc trồng cây manh mún, tự phát như trước gần như không còn. Ông Nông Văn Bích, một người dân trong xóm phấn khởi: Gia đình tôi có 7ha rừng trồng từ năm 2015 sắp được khai thác. Nhiều năm trước, diện tích này tôi trồng sắn hoặc để cây tự nhiên nên nguồn thu không đáng kể.

Võ Nhai là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh (trên 83.000ha), trong đó đất lâm nghiệp có khoảng 66.000ha, đó là tiềm năng lớn để huyện phát triển kinh tế rừng. 5 năm qua, mỗi năm huyện trồng được từ 800ha đến trên 1.800ha rừng các loại theo thiết kế (vượt xa chỉ tiêu trồng 900-1.000ha rừng/năm), chưa kể diện tích người dân tự bỏ vốn trồng khoảng 300ha/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70%, vượt 4% so với chỉ tiêu. Cùng với trồng rừng theo các dự án được Nhà nước hỗ trợ, người dân trên địa bàn cũng tích cực nhận giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để có thêm thu nhập và góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. 

Để có kết quả đó trước hết phải kể đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn. Trong nghị quyết nhiệm kỳ cũng như nghị quyết hằng năm của cấp ủy các cấp, phát triển kinh tế rừng luôn là một chỉ tiêu quan trọng, kèm với đó là những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Khi người dân chưa thấy rõ giá trị kinh tế từ rừng, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của bà con; triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với người trồng rừng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân; đề nghị cấp, ngành chức năng điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng diện tích rừng sản xuất để nâng cao giá trị; huy động các nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông, tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa, trong đó có sản phẩm từ rừng. 

Tuy nhiên, dù diện tích trồng rừng hằng năm lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao nhưng giá trị sản xuất lâm nghiệp và tỷ trọng của lĩnh vực này trong cơ cấu ngành Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản của huyện Võ Nhai còn thấp. Năm 2019, giá trị sản xuất lâm nghiệp của huyện đạt 80 tỷ đồng (tăng 29,18% so với năm 2015) trong khi mục tiêu đến năm 2020 là 166,9 tỷ đồng; tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp chỉ chiếm khoảng 9% trong ngành Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản, mục tiêu là 19%.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Võ Nhai phân tích: Diện tích đất lâm nghiệp của Võ Nhai lớn nhưng quy hoạch rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm quá nửa. Cùng với đó, đất lâm nghiệp trên địa bàn có độ dốc lớn gây khó khăn cho việc trồng và phát triển của cây rừng. Nhiều người dân vẫn trồng rừng theo thói quen, trồng dầy hơn bình thường khiến cây phát triển kém. Đặc biệt, giao thông tại nhiều nơi còn rất khó khăn nên giá bán lâm sản thấp, số lượng cơ sở chế biến lâm sản còn ít…

Từ thực tế cho thấy, việc các cấp ủy, chính quyền huyện Võ Nhai coi trọng phát triển kinh tế rừng là chủ trương phù hợp để phát huy tiềm năng về lâm nghiệp. Nhưng mục đích quan trọng nhất là nâng cao giá trị kinh tế thì chưa tương xứng. Trong các giải pháp huyện đang triển khai đối với lĩnh vực  này, có thể nói việc tăng cường tập huấn, vận động người dân trồng rừng đúng kỹ thuật và tiếp tục quan tâm phát triển mạng lưới giao thông vẫn là quan trọng hàng đầu.