Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, đúng hướng

18:05, 19/06/2020

Phát huy những lợi thế của địa phương cùng với vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, những năm qua, kinh tế - xã hội trên địa bàn T.X Phổ Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Theo ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, trong khoảng 5 năm gần đây, sự có mặt của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên và các công ty phụ trợ đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Đến nay, công nghiệp xây dựng thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 97%; nông, lâm, thủy sản còn dưới 3%. Trong tổng số trên 73 nghìn lao động, có trên 60 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2%.

Xác định phát triển công nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Thị xã đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án để bàn giao đúng kế hoạch, cam kết với nhà đầu tư. Huy động hàng trăm nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại… Với những nỗ lực đó, đến nay, Thị xã có 5/7 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động với trên 50 dự án đầu tư, trong đó có 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Tình hình sản xuất công nghiệp phát triển nhanh với mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt gần 23% (cao hơn 6% so với mục tiêu đề ra). Chỉ tính riêng năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt trên 675 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Đến năm 2020, trên địa bàn có gần 2.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng 5% so với năm 2015.

Ông Ngô Hồng Giang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gạch Prime Phổ Yên cho biết: Hơn 10 năm hoạt động sản xuất trên địa bàn, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía chính quyền Thị xã, qua đó tình hình sản xuất được duy trì ổn định, đảm bảo việc làm cho hơn 400 lao động với mức lương trên 9 triệu đồng/người/tháng. Với 4 dây chuyền sản xuất, mỗi năm đơn vị cung ứng ra thị trường trên 12 triệu m2 gạch ốp lát các loại, doanh thu đạt khoảng 800 tỷ đồng.

Cùng với ưu tiên phát triển công nghiệp, các hoạt động thương mại, dịch vụ cũng được Thị xã quan tâm thực hiện. Ngoài việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng siêu thị, cửa hàng tiện ích, giai đoạn 2016-2019, Thị xã còn đầu tư trên 50 tỷ đồng để sửa chữa và nâng cấp 9 chợ (trong đó có 8 chợ nông thôn và 1 chợ do doanh nghiệp làm chủ đầu tư) tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, buôn bán... Tính đến nay, thị xã có 4 siêu thị lớn với tổng diện tích khoảng 7.000m2; hơn 10.000 cơ sở kinh doanh bán lẻ (tăng hơn 2.000 cơ sở với năm 2015) thu hút trên 12 nghìn lao động làm việc; trên 600 cơ sở kinh doanh vận tải; hơn 1.000 khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống… Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng của địa phương tăng từ hơn 3.000 tỷ đồng năm 2016 lên trên 6.570 tỷ đồng năm 2019. Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển cũng như thu hút các thành phần kinh tế, lao động địa phương tham gia vào lĩnh vực này, Thị xã cũng đã thực hiện lập Quy hoạch quần thể di tích vua Lý Nam Đế, lập quy hoạch các vùng sản xuất, vùng cây ăn quả tập trung kết hợp xây dựng du lịch cộng đồng tại một số xã miền Tây như: Phúc Thuận,Thành Công; quy hoạch khu du lịch nghỉ dưỡng Đông Tam Đảo và đường kết nối vành đai V…

Thực tế hiện nay cho thấy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Phổ Yên là xu hướng tất yếu, phù hợp và đúng đắn. Sự chuyển dịch này không những thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên để phát triển ổn định, bền vững, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian tới, Thị xã sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động để phù hợp với từng ngành nghề, từng giai đoạn phát triển của khoa học công nghệ. Cùng với đó, chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế, quy mô dân số; vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế vào điều kiện cụ thể của địa phương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng ưu tiên những ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: Điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản và phát triển các làng nghề truyền thống, qua đó giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động...