Là địa phương có nhiều làng nghề (LN) và số LN tiêu biểu nhiều nhất tỉnh, huyện Phú Lương đang cho thấy hiệu quả của việc quan tâm triển khai các cơ chế, chính sách phát triển LN. Cùng với các cơ chế của cấp trên, huyện thường xuyên dành nguồn kinh phí và các hình thức hỗ trợ khác, khuyến khích, tạo điều kiện cho các LN phát triển.
Trong cơ ngơi khang trang được xây dựng bằng nguồn thu chủ yếu từ làm chè, anh Tô Văn Khiêm, Trưởng xóm kiêm Trưởng Ban quản lý LN Chè Khe Cốc xóm Tân Thái, xã Tức Tranh, say mê nói về chè, về những ý tưởng và thành quả mà anh và bà con trong xóm có được từ chè. Theo anh Khiêm thì những thay đổi trong sản xuất, kinh doanh chè của người dân bắt đầu từ việc xóm Tân Thái được công nhận LN năm 2011. Xóm có 70/78 hộ làm chè và đều là thành viên của LN với tổng diện tích chè kinh doanh khoảng 40ha. Nhiều năm trước, người dân sản xuất chè theo kinh nghiệm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học thiếu kiểm soát. Khi được công nhận LN, có quy chế hoạt động rõ ràng, các hộ đều tự giác chấp hành, chuyển sang sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP và cùng ý thức xây dựng thương hiệu chè.
Cũng theo anh Tô Văn Khiêm thì cùng với được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, thiết kế bao bì, quảng bá sản phẩm, năm 2016, các hộ được hỗ trợ (đối ứng 50% giá trị) 36 máy vò chè và 34 máy sao chè; đến năm 2019 tiếp tục được hỗ trợ thêm thiết bị chế biến chè. Hầu như năm nào, LN cũng nhận được hỗ trợ với nhiều hình thức khác nhau, từ nhiều nguồn khác nhau. Để có pháp nhân tiếp nhận các nguồn hỗ trợ và ký kết hợp tác sản xuất, năm 2018, anh Khiêm và 14 người khác thành lập Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Khe Cốc, thành viên của LN. Ngay sau khi thành lập, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một đối tác ở châu Âu, giới thiệu sản phẩm với một số đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt là vận động các hộ chuyển hầu hết diện tích chè sang sản xuất theo hướng hữu cơ, HTX cam kết thu mua với giá cao gấp đôi thị trường… Với kết quả hoạt động nổi bật, LN Chè Khe Cốc xóm Tân Thái nhiều năm được bình chọn là LN tiêu của huyện, của tỉnh và cấp Quốc gia, đón nhiều tổ chức, cá nhân đến học tập.
Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Xã có 24 xóm thì hiện có 14 xóm đã được công nhận là LN và LN chè truyền thống. Cơ bản các LN đều hoạt động có nền nếp, hiệu quả, nhất là tại 8 LN có HTX là thành viên. Cùng với lợi thế là vùng chè truyền thống, các cơ chế, chính sách hỗ trợ LN thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè và thu nhập của người dân.
Cũng nói về tác dụng của các hình thức hỗ trợ, bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng Ban quản lý LN xóm 9 Bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng) chia sẻ: Khi mới được công nhận LN, chúng tôi gặp nhiều lúng túng khi xây dựng quy chế và tổ chức hoạt động, việc bảo vệ môi trường cũng khó khăn. Nếu không có sự tư vấn, hỗ trợ thiết thực của các cấp, ngành và Hiệp hội LN tỉnh thì LN khó có thể phát triển như hiện nay…
Toàn huyện Phú Lương hiện có 42 LN, trong đó có 40 LN chè, tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 1.200 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động trong các LN đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng. Theo ông Phan Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, công tác hỗ trợ phát triển các LN trên địa bàn luôn được huyện quan tâm; từ hỗ trợ cây giống đến đào tạo, bỗi dưỡng, tập huấn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, quảng bá sản phẩm, tổ chức tôn vinh các LN… Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm, huyện dành kinh phí 200 triệu đồng để hỗ trợ thiết bị, tập huấn, quảng bá sản phẩm LN. Cùng với đó là việc lồng ghép nhiều nguồn vốn, chương trình khác để giúp các LN, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội LN tỉnh cho biết: Huyện Phú Lương là một trong những địa phương có nhiều LN và hiện có tới ¾ LN tiêu biểu cấp Quốc gia của cả tỉnh. Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng và chất lượng hoạt động của các LN tại địa phương này tốt, nhưng việc triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước và của riêng địa phương là yếu tố rất quan trọng.