Những năm qua, lĩnh vực thương mại, dịch vụ (TMDV) được huyện Phú Bình quan tâm, phát triển, qua đó góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đi dọc tuyến Quốc lộ 37 qua khu vực trung tâm các xã của huyện Phú Bình như Thượng Đình, Điềm Thụy, Nhã Lộng, Úc Kỳ, thị trấn Hương Sơn và xã Kha Sơn, dễ dàng nhận thấy sự phát triển đa dạng các ngành nghề kinh doanh thương mại, dịch vụ với nhiều hàng quán ăn uống, hàng may mặc, điện tử, điện lạnh, nội thất mọc lên san sát 2 bên đường. Còn tại các xã nằm xa trung tâm như Tân Khánh, Tân Thành, Đào Xá, Tân Đức, Thanh Ninh…, chúng tôi dễ dàng thấy mạng lưới chợ nông thôn đã được huyện quy hoạch và xây dựng mở rộng theo tiêu chí Nông thôn mới, các cửa hàng tạp hóa cũng dần được “phủ sóng” đến các xóm, khu dân cư, qua đó đã góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trao đổi hàng hóa của người dân.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Văn Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Bình cho biết: Để phát triển TMDV, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó ưu tiên xây dựng chợ và đường giao thông. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động 35 tỷ đồng để cải tạo sửa chữa 6 chợ, xây mới 2 chợ, nâng tổng số 14 chợ trên địa bàn toàn huyện. Ngoài ra, huyện cũng huy động trên 900 tỷ đồng cải tạo nâng cấp 455km đường giao thông và xây mới một số cầu cống. Mạng lưới giao thông nông thôn được hoàn thiện cũng đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân trên địa bàn huyện.
Cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện Phú Bình còn tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, chú trọng công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua đó, trong 4 gần năm qua (2016-2020), huyện đã thu hút được 51 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển mạnh hơn so với trước, hiện toàn huyện có 172 doanh nghiệp, hợp tác xã; 8.578 cơ sở sản xuất cá thể phi nông, lâm, thủy sản (tăng 1.528 cơ sở so với năm 2015), giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động…Hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại ngày càng phát triển, nhiều người dân có việc làm mới tại các khu, cụm công nghiệp, do vậy, sức mua hàng hóa trên địa bàn ngày một tăng. Năm 2019, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn đạt trên 1.900 tỷ đồng, tăng trên 900 tỷ đồng so với năm 2015, bình quân tăng 15%/năm. Cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông-lâm-thủy sản. Hiện ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 50,7%; ngành dịch vụ chiếm 30,5%; còn lại là nông nghiệp.
Với những điều kiện thuận lợi trên, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đầu tư xây dựng các siêu thị điện máy, cửa hàng tự chọn, qua đó không chỉ giúp người dân có cơ hội được tiếp cận và lựa chọn nhiều loại hàng hóa theo nhu cầu, đảm bảo chất lượng mà còn làm thay đổi diện mạo đô thị của địa phương. Bà Nguyễn Thị Lan ở xóm U, xã Tân Hòa chia sẻ: Nhiều cửa hàng lớn, siêu thị điện máy đã được mở ngay tại thị trấn Hương Sơn, chúng tôi không còn phải đi lên thành phố Thái Nguyên để mua sắm như trước nữa. Các mặt hàng được bày bán tại đây đều đa dạng mẫu mã, chủng loại, niêm yết giá rõ ràng nên chúng tôi yên tâm lựa chọn, phù hợp với túi tiền của mình.
Định hướng trong thời gian tới, ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại; quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh phát triển, đồng thời chú trọng công tác quảng bá khu du lịch văn hóa - lịch sử, khu du lịch sinh thái gắn với việc phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương như Gà đồi Phú Bình, lúa Nếp Thầu Dầu, cao Ngựa bạch. Cùng với đó, là tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng hàng hóa, đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.