Trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao

15:32, 30/06/2020

Vụ xuân năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà kính, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Từ đó mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới, giúp bà con có thêm sự lựa chọn trong quá trình chuyển đổi cây trồng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, 2 giống dưa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa vào trồng thử nghiệm trong vụ xuân là dưa lê Kim Hoàng Hậu và dưa lưới Nhật TL3 với quy mô 1.000m2, tại xóm xóm Cây Thị, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Dẫn chúng tôi đi thăm vườn dưa, chị Nguyễn Kim Đương - Trạm trưởng Trạm Chuyển giao kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) chia sẻ: Để có được những quả dưa to, quả nào quả nấy căng tròn và đảm bảo độ ngọt, chúng tôi phải chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Cụ thể, việc bón phân kết hợp với tưới nước cho cây được vận hành tự động thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng chậu cây, được điều chỉnh phù hợp với mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây. Khi cây ra quả thì lựa chọn chỉ để lại mỗi gốc 1 quả nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Một điểm cần đặc biệt lưu ý trong quá trình chăm sóc là cây rất thích hợp với ánh sáng mạnh, nếu cường độ ánh sáng yếu, dưa sẽ sinh trưởng chậm. Vì vậy, khi trồng trong nhà kính, sau mỗi vụ sản xuất, chúng tôi phải xử lý sạch sẽ phần mái che để đảm bảo cây hấp thụ được ánh sáng tốt nhất.

Quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, các luống dưa được trồng trong các chậu giá thể đặt trên đất có phủ ni-lon trong nhà kính nên ngăn chặn được các loại côn trùng, hạn chế sâu bệnh gây hại, cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với đồng đất địa phương. Sau hơn 80 ngày chăm sóc, đến thời điểm này, 2 giống dưa nói trên đã bắt đầu cho thu hoạch. Do cây được điều tiết dinh dưỡng hợp lý nên cho quả đồng đều, trái dưa tròn cân đối, màu sắc tươi sáng bắt mắt, vỏ mỏng, độ ngọt cao. Trung bình mỗi quả dưa dưa Kim Hoàng Hậu và dưa lưới có trọng lượng khoảng 1,2kg; sản lượng dự kiến đạt từ 1,5-1,8 tấn/500m2. Với giá bán từ 45.000-55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi sào dưa cho thu lãi khoảng 25-30 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hiện, đã có một số đơn vị ký hợp đồng đặt hàng với số lượng lớn. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong vụ dưa này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục trồng những lứa dưa tiếp theo để cung cấp cho thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch của người dân.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để thực hiện thành công mô hình, Trung tâm đã được Nhà nước đầu tư 250 triệu đồng để xây dựng nhà kính cùng hệ thống tưới tự động theo hướng công nghệ cao. Mặc dù thì chi phí ban đầu cao hơn so với sản xuất nông nghiệp thông thường nhưng có thể sử dụng được trong vòng 10 năm. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn tiết kiệm được phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thưc vật, công lao động và tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, quá trình sản xuất không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết như sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Có thể khẳng định, thành công của mô hình đã góp phần cung cấp sản phẩm nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Qua  đó, góp phần thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích theo hướng bền vững.