Những năm gần đây, chất lượng tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh luôn thuộc tốp đầu trong hệ thống NHCSXH cả nước. Theo đánh giá của lãnh đạo NHCSXH tỉnh, một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công này chính là sự tham gia có hiệu quả của 4 tổ chức hội đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở trong việc tham gia nhận ủy thác cho vay.
Nếu như ở ngân hàng thương mại, các thủ tục cho vay được thực hiện trực tiếp giữa cán bộ ngân hàng với người vay, thì tại NHCSXH, công việc này lâu nay lại do các tổ tiết kiệm - vay vốn (TK-VV) đảm nhận từ khâu bình xét cho vay đến việc hoàn thiện thủ tục. Chỉ đến khi giải ngân, người vay mới trực tiếp giao dịch với cán bộ ngân hàng. Ngay cả việc thu lãi hằng tháng cũng được thực hiện bởi tổ trưởng tổ TK-VV.
Sở dĩ có mô hình hoạt động này là bởi ngay từ khi được thành lập năm 2002, NHCSXH đã ký kết Văn bản liên tịch về thực hiện ủy thác cho vay với 4 tổ chức chính trị xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cấp tỉnh, cấp huyện và ký hợp đồng ủy thác cho vay đối với tổ chức chính trị xã hội cấp xã. Các tổ chức chính trị cấp xã là người trực tiếp quản lý các tổ TK-VV. Đối với Thái Nguyên, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 640 tổ chức chính trị xã hội cấp xã thực hiện công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, quản lý 3.043 tổ TK-VV.
Ông Ma Đình Lương, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Định Hóa cho rằng: Một trong những thuận lợi lớn nhất trong quá trình thỏa thuận, hợp tác này là các tổ chức chính trị xã hội có mạng lưới hoạt động sâu rộng; có cán bộ ở tất cả các xã, đặc biệt có chi hội hoạt động ở các thôn, xóm nên quá trình triển khai cũng như kiểm tra, giám sát đối với người vay dễ dàng. Nhờ đó, các nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với nhân dân mang lại hiệu quả cao.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Bình kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để chăn nuôi bò tại gia đình bà Ngọ Thị Thoa, ở tổ dân phố Thơm, thị trấn Hương Sơn.
Xuất phát từ mô hình hoạt động này nên hiện có tới 15/16 chương trình cho vay mà NHCSXH tỉnh đang triển khai được thực hiện thông qua hoạt động ủy thác. Chỉ duy nhất nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đối với doanh nghiệp là được thực hiện trực tiếp giữa ngân hàng với người vay. Bởi vậy, doanh số cho vay qua hoạt động ủy thác luôn chiếm trên 99,5% tổng doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh. Tính từ năm 2015 đến hết năm 2019, doanh số cho vay này đạt 4.709 tỷ đồng. Trong đó, cho vay qua Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm 30,67%; Hội Nông dân chiếm 29,61%; Hội Cựu chiến binh chiếm 21,07%; Đoàn Thanh niên chiếm 18,65%. Cũng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức hội, nên doanh số thu nợ luôn đảm bảo tốt các yêu cầu đặt ra, với tỷ lệ luôn đạt khoảng 99%, trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ trung bình 5 năm gần đây đạt 13,12%.
Đáng chú ý, mặc dù tổng dư nợ và số khách hàng vay khá lớn nhưng do chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, làm tốt từ khâu bình xét cho vay đúng đối tượng, giám sát, kiểm tra để đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích... nên chất lượng tín dụng của NHCSXH tỉnh luôn đảm bảo. Nhiều năm liền, nợ quá hạn và nợ khoanh cho vay uỷ thác qua tổ chức hội đều ở mức dưới 0,1% trên tổng dư nợ. Tính đến đầu năm 2020, nợ quá hạn của Chi nhánh chỉ là 1,665 tỷ đồng, chiếm 0,048% trên tổng dư nợ ủy thác.
Chị Ma Thị Quyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghinh Tường (Võ Nhai) chia sẻ: Trong số hơn 10 tỷ đồng dư nợ của NHCSXH trên địa bàn xã hiện nay, Hội Nông dân quản lý 6,7 tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hàng tháng, đại diện các hội, đoàn thể nhận ủy thác của xã lại phối hợp với trưởng xóm, tổ trưởng tổ TK-VV tiến hành kiểm tra thực tế tại các hộ vay mới. Nếu phát hiện tổ viên nào sử dụng sai mục đích sẽ báo lại với NHCSXH để tiến hành thu hồi. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với công an xã để nắm bắt tình hình của người vay. Trường hợp người vay vẫn còn dư nợ tại ngân hàng mà có ý định chuyển đi nơi khác sinh sống, chúng tôi sẽ kịp thời thông báo tới NHCSXH, đồng thời tích cực phối hợp vận động, yêu cầu người vay trả nợ hoặc có các biện pháp thực hiện nghĩa vụ phù hợp. Nhờ đó, chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách ở xã luôn được đảm bảo.
Có thể nói, với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù riêng có của NHCSXH hiện nay, hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH đã huy động được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tham gia quản trị và nhận uỷ thác quản lý vốn vay. Qua đó đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ13,4% năm 2016 xuống còn 4,35% vào cuối năm 2019; hộ cận nghèo từ 8,94% năm 2016 xuống còn 6,47%.
Ngoài ra, cũng thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức chính trị xã hội đã có thêm nguồn kinh phí để hoạt động và hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình, kế hoạch của Hội, đoàn thể. Và theo ông Lê Văn Hồng để sự phối hợp này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới rất cần sự tiếp tục quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc phối hợp với NHCSXH để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội để nguồn vốn tín dụng chính sách luôn là điểm tựa quan trọng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.