Chị Ma Thị Thơi, người dân tộc thiểu số, 47 tuổi, ở xóm Cốc Móc, xã Linh Thông (Định Hóa), vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tôn vinh điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020. Vượt qua hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, chị đã trở thành hộ thoát nghèo bền vững, tạo dựng cuộc sống ngày càng sung túc.
Chị Thơi có dáng người nhỏ thó, khuôn mặt đen sạm, khắc khổ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 mới được xây dựng, trong phòng khách có đầy đủ tiện nghi như: Ti vi, tủ lạnh… Chị Thơi Bảo: “Đó là thành quả của hành trình dài nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn”. Trước đây, cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Nhà có đông anh chị em nên bữa ăn hàng ngày chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Trong khi đó, không biết làm kinh tế do thiếu kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi; ruộng nương manh mún, nằm xa nhà, đường đi lại khó khăn nên nhiều khi vẫn rơi vào cảnh thiếu ăn. Để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học, chị phải đi làm thuê. Nhiều đêm chị trăn trở, suy tính làm sao cho cái nghèo không còn đeo bám, để có tiền nuôi các con ăn học bằng người.
Không cam chịu đói nghèo, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức. Cùng với đó, chị tìm tòi học hỏi qua sách báo và các mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng, từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Từ diện tích 2 ha rừng tạp trước đây, chị đã vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng keo và chăn nuôi bò, lợn. Mới bắt tay vào công việc chưa được bao lâu, năm 2015, chồng chị qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, để lại một mình chị với gánh nặng mưu sinh. Nhờ sự an ủi, động viên của anh em họ hàng, chị em trong Chi Hội Phụ nữ, chị đã vượt qua nỗi đau, tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.
Tôi cùng chị leo lên quả đồi cách nhà chừng 4km, đường đi lổn nhổn đá và phải băng qua suối. Trước mắt chúng tôi là khu đất rộng với cây trái xanh tốt. Chị nói: Tôi phải làm lán ở đây, để tiện trông nom, chăm sóc cây trái. Phía trên đỉnh đồi, tôi trồng keo, năm ngoái mới thu hoạch khoảng hơn 1 ha, lãi khoảng 90 triệu đồng. Năm nay ngoài keo, tôi trồng thêm quế theo chủ trương của xã và trồng xen ngô, bí, rau các loại lấy ngắn nuôi dài. Còn dưới chân đồi, năm 2016, tôi mạnh dạn trồng 250 cây quýt, năm tới đây sẽ cho thu hoạch. Bên cạnh đó, mỗi năm tôi cũng nuôi được từ 2 - 6 con bò sinh sản, gần chục con lợn nái, lợn thịt và làm thêm 6 sào ruộng, vì thế cuộc sống ngày càng được cải thiện. Song niềm tự hào nhất với chị là các con được học hành, thành đạt và biết yêu thương, kính trọng mẹ. Con gái đầu tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên hiện sinh sống và làm việc ở Vũng Tàu, con trai học Trường Sỹ quan Lục quân đang công tác tại địa phương.
Chị Hoàng Thị Vì, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Linh Thông nhận xét: Không chỉ là một hội viên vượt khó thoát nghèo, chị còn là người gương mẫu, chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào ở điạ phương, cũng như của Hội Phụ nữ, chăm lo cho con cái học hành, hiếu thảo. Điều đáng học hỏi ở chị chính là sự cần cù, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.