Đại Từ - Dấu ấn một chặng đường

09:14, 17/08/2020

Nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, thực hiện đạt và vượt kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu đề ra. Từ đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh, bền vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. 

Từ điểm nhấn nông thôn mới

Trở lại xã Tiên Hội lần này, chúng tôi thực sự bất ngờ trước những đổi thay ở đây. Từ một vùng quê thuần nông vốn nhiều khó khăn, nay bức tranh nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đang dần hiện hữu với sắc màu tươi mới của những con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên giữa màu xanh của những đồi chè, cây ăn quả…

Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: Năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn NTM, là một trong những xã hoàn thành sớm Chương trình này trên địa bàn tỉnh. Nhưng chúng tôi không tự bằng lòng với kết quả đạt được mà vẫn luôn nỗ lực nâng cao chất lượng từng tiêu chí. Đến năm 2018, xã vinh dự được chọn là 1 trong 9 xã tiêu biểu của tỉnh xây dựng NTM kiểu mẫu. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, xã đã xây dựng lộ trình với quan điểm thực hiện đến đâu chắc đến đó, các tiêu chí dễ thì triển khai trước, khó thì thực hiện từng bước trên cơ sở tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đến nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.

Không riêng ở Tiên Hội, qua một nhiệm kỳ nhìn lại, có thể khẳng định, thay đổi dễ nhận thấy nhất ở khắp 30 xã, thị trấn của huyện chính là nông thôn đã có bước đột phá mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng nông thôn có bước phát triển lớn, đời sống nhân dân được nâng lên nhiều. Để có được kết quả này, huyện đã chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực thực hiện xây dựng NTM, sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những hạng mục, công trình thiết yếu, phục vụ lợi ích cộng đồng và gắn với hoàn thành tiêu chí NTM. Cùng với đó, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, qua đó, đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Nhiệm kỳ qua, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của huyện là trên 916 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp cho Chương trình Xây dựng NTM gần 157 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên 588 tỷ đồng; các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng góp trên 11 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 160 tỷ đồng.

Hiện, toàn huyện có 15/28 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân các xã đạt từ 16 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, huyện Đại Từ được đánh giá là địa phương dẫn đầu phong trào xây dựng NTM của tỉnh. 

Đến bước phát triển toàn diện

Không chỉ trong xây dựng NTM, nhiệm kỳ qua, huyện Đại Từ đã ghi thêm nhiều dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị... 

Nói đến Đại Từ với nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, canh tác theo tập quán cũ, lạc hậu, rời rạc, chưa tiếp cận khoa học kỹ thuật... thì đó là câu chuyện của hơn 5 năm trước. Còn bây giờ, nông nghiệp của huyện đã phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4,2%/năm, vượt 0,2% so với nghị quyết; giá trị bình quân trên 1ha đất trồng trọt đạt 120 triệu đồng/ha, tăng 21,1 triệu đồng/ha so với năm 2015.

Trong giai đoạn 2015-2020, sản lượng chè búp tươi của huyện Đại Từ đạt 70.100 tấn, vượt 2.100 tấn so với chỉ tiêu nghị quyết. Trong ảnh: Người dân xã Hoàng Nông thu hái chè. Ảnh: M.H

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, đã tạo được nhiều vùng sản xuất chuyên canh có quy mô và hiệu quả, như: vùng sản xuất rau an toàn Hùng Sơn; vùng chè VietGAP La Bằng, Phú Xuyên, Hoàng Nông; vùng trồng cây ăn quả Quân Chu, Tiên Hội...

Cùng với bước phát triển của ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất của các ngành đều tăng, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Ước năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 79,8%; dịch vụ chiếm 8,0%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 12,2%. Thu cân đối ngân sách Nhà nước bao gồm cả thu cấp quyền sử dụng đất tăng bình quân 23,88%/năm, tăng 3,88% so với Nghị quyết. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 80,48 triệu đồng, gấp 1,71 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 10,88%, vượt 0,88% so với Nghị quyết... 

Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, các khu công nghiệp được đầu tư mạnh. Trong nhiệm kỳ, đã nâng cấp thị trấn Hùng Sơn lên đô thị loại 4, hoàn thành quy hoạch thị trấn Cù Vân, triển khai quy hoạch thị trấn Yên Lãng, cơ bản thực hiện tốt quy hoạch phát triển trung tâm các xã, qua đó đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Ngoài ra, lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng. 

Những kết quả này một lần nữa khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Đây cũng là cơ sở để huyện phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới; huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng; huyện đạt chuẩn NTM trước năm 2025.