“Giải cứu” bí đỏ và vấn đề đầu ra cho nông sản

07:52, 18/08/2020

Những ngày gần đây, hàng trăm tấn bí đỏ của huyện Võ Nhai bị tồn đọng không tiêu thụ được, giá giảm sâu đang là câu chuyện được dư luận quan tâm. Không chỉ riêng bí đỏ, nhiều năm trở lại đây, điệp khúc “được mùa, mất giá” lặp đi lặp lại đối với một số mặt hàng nông sản khiến nhiều hộ dân điêu đứng. Vậy đâu là giải pháp để ổn định đầu ra cho nông sản?

Chỉ vào gần chục tấn bí đỏ phơi trước sân nhà, anh Tạ Đăng Phước, ở xóm Thắng Lợi, xã Tràng Xá (Võ Nhai) bảo: Tận dụng diện tích đất đồi bãi, vụ này, nhà tôi trồng bí đỏ và thu hoạch được hơn 30 tấn quả. Tuy nhiên, giá bí năm nay quá rẻ, chỉ từ 1.000 đồng đến 2.500 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bí không những rẻ mà còn rất khó bán.

Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho rằng: Có 2 nguyên nhân khiến bí đỏ năm nay bị rớt giá. Thứ nhất là do năm ngoái, bí đỏ được giá, có thời điểm bà con bán tại vườn từ 8.000-10.000 đồng/kg, nhiều hộ dân thu từ 100-200 triệu đồng/vụ nên năm nay, bà con mở rộng diện tích trồng. Thứ hai là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Để “giải cứu” bí đỏ, các tổ chức, đoàn, hội đã đứng ra thu mua và bán hàng không lợi nhuận, giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ được giải quyết được phần nào tình trạng tồn đọng.

Ngoài bí đỏ, những năm qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều mặt hàng nông sản bị rớt giá như: dưa hấu, thịt lợn, thịt gà… Thực tế, người nông dân thấy một loại nông sản nào đó được giá thì đổ xô vào sản xuất theo phong trào, dẫn đến tình trạng dư thừa. Tình trạng này không chỉ làm cho người nông dân điêu đứng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải chỉ đến khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều năm qua, tình trạng dư thừa một số mặt hàng nông sản đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau, khiến người nông dân chịu thiệt hại nặng nề do giá bán sản phẩm không bù đắp nổi chi phí sản xuất. Nguyên nhân của tình trạng trên là do người dân vẫn sản xuất theo lối cũ, tập trung chạy theo mặt hàng có giá đắt đỏ nhất thời mà không lường trước diễn biến của thị trường. Ngoài ra, phương thức sản xuất của người dân chưa có nhiều thay đổi, chưa áp dụng sản xuất theo chuỗi, sản phẩm không có nhãn mác, thương hiệu. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh chưa có các nhà máy chế biến nông sản đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, làm gia tăng giá trị hàng nông sản; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, nhiều hộ dân bán hàng hóa cho thương lái xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Khi thị trường Trung Quốc dừng mua, lập tức các mặt hàng bị rớt giá, dư thừa.

Trước thực trạng trên, để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và đời sống của người dân đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành chức năng, các cấp chính quyền trong việc thực hiện dồn điền đổi thửa, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đối với bà con nông dân cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng và chủ động liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, đơn vị đang triển khai xây dựng và hoàn thiện Đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, xác định một số sản phẩm chủ lực như: Chè, lúa gạo, cây ăn quả, rau, thịt lợn, thịt gà và trứng, thủy sản nước ngọt… Khi Đề án hoàn thiện và được UBND tỉnh phê duyệt sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi thực phẩm an toàn.