Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 72%. Những năm qua, huyện Võ Nhai đã huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Võ Nhai hiện có 15 đơn vị hành chính gồm 14 xã và 1 thị trấn với tổng số 171 xóm, bản, trong đó có 10 xã khu vực III, 4 xã và 1 thị trấn khu vực II, 86 xóm đặc biệt khó khăn. 5 năm qua, từ Chương trình 135, các xã, xóm đặc biệt khó khăn của huyện đã được đầu tư hơn 88 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây nhà văn hóa, trạm y tế, trạm điện; hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, huyện đã hỗ trợ 2.900 hộ nghèo với tổng số vốn gần 9 tỷ đồng, trong đó có 1.305 hộ được hỗ trợ mua máy nông cụ sản xuất và 1.595 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Hỗ trợ trực tiếp cho gần 100.000 nhân khẩu ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí 9,3 tỷ đồng.
Đặc biệt, huyện đã thực hiện Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông theo Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” với số tiền 23,242 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện 8 tuyến đường bê tông vào các xóm, bản có đông đồng bào Mông sinh sống, xây dựng 3 nhà văn hóa xóm, xây dựng lớp học; hỗ trợ các hộ vay vốn chăn nuôi trâu, bò, trồng cây ăn quả, hỗ trợ ngô giống, phân bón cho các hộ trồng ngô lai.
Ngoài ra trên địa bàn huyện còn triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ muối iốt phòng, chống bướu cổ cho người dân vùng dân tộc và miền núi; chính sách bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ cho học sinh; chính sách cử tuyển, chính sách bảo tồn di sản văn hóa theo quy định của Nhà nước.
Ông Hoàng Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, huyện đã triển khai nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung triển khai thực hiện các chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Huyện đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết “4 nhà”. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn để tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Nhờ triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm gần đây, diện mạo kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm qua các năm. Nếu như năm 2016 toàn huyện có 6.042 hộ nghèo, chiếm 31,86%, thì đến nay số hộ nghèo giảm còn 13,63%.
Hiện nay, hầu như các xóm, bản vùng đồng bào DTTS đã có đường bê tông; trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 95% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…