Nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, Sở Công Thương đã triển khai hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu và các đề án khuyến công. Qua đó, nhiều sản phẩm CNNT được nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Xác định sản phẩm được sản xuất, chế biến từ chè là thế mạnh của tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã dành nhiều sự quan tâm đến việc hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè trong việc đáp ứng các quy định của Bộ Công Thương về bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Qua đó, sản phẩm chè của nhiều HTX được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp địa phương, khu vực và quốc gia.
Điển hình là trong năm 2019, toàn tỉnh có 3/110 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, gồm Ngân Long Trà của Công ty CP chè Tân Cương Hoàng Bình; Bạch Ngọc Trà của HTX Chè Tân Hương và Thanh Hải Trà của HTX Chè La Bằng (Đại Từ). Bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc HTX Chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Để đạt được các yếu tố về chất lượng, chè phải được sản xuất, chế biến theo quy trình khép kín (tiêu chuẩn UTZ Certifed); có dán tem truy xuất nguồn gốc và đăng ký cấp giấy chứng nhận về các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngoài ra, chúng tôi cũng không ngừng cho ra thị trường các sản phẩm mới, đa dạng, phù hợp với từng phân khúc thị trường. Với sự đầu tư đó, từ khi thành lập đến nay, HTX đã có 5/5 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp.
Ngoài sản phẩm chè thì những năm gần đây các mặt hàng nông sản có tiềm năng phát triển khác như tương nếp Phú Bình, mỳ gạo Bao thai Định Hóa... cũng đã được các HTX chú trọng nâng cao về chất lượng sản phẩm và đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp. Bà Ma Thị Hằng, Giám đốc HTX Chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng (Định Hóa) chia sẻ: Qua chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, HTX còn có cơ hội tham gia các hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy, HTX sản xuất và tiêu thu được từ 40-50 tấn mỳ mỗi năm, đem về lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng, qua đó góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 10 người lao động địa phương với thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Song song với tổ chức bình chọn các sản phẩm CNNT tiêu biểu, thời gian qua, Sở Công Thương còn triển khai thực hiện các đề án khuyến công với hoạt động chủ yếu là hỗ trợ dây chuyền, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến chè, sản xuất gạch không nung, sản xuất và gia công đồ mộc mỹ nghệ, sản phẩm cơ khí với các các loại máy móc hỗ trợ chính như: Máy điêu khắc gỗ, máy cắt CNC, máy hút chân không...
Anh Nguyễn Thanh Trung, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), chủ một cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ cho hay: Nhờ có đề án khuyến công của tỉnh, gia đình tôi đã được hỗ trợ trên 80 triệu đồng (bằng khoảng 1/3 kinh phí) để mua máy điêu khắc gỗ tự động. Việc áp dụng máy móc vào hoạt động sản xuất giúp sản phẩm làm ra đồng đều về kiểu dáng, kích thước, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Ông Trần Anh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp và Năng lượng (Sở Công Thương) đánh giá: Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có từ 25-30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn CNNT tiêu biểu các cấp và có khoảng 20 cơ sở được hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Điểm chung của hai chương trình này đều góp phần hỗ trợ các cơ sở sản xuất, HTX nâng cao thương hiệu, chất lượng sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tập huấn, hỗ trợ các cơ sở, HTX sản xuất sản phẩm CNNT về các lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, đăng ký thương hiệu, các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; lồng ghép giữa hoạt động hỗ trợ với các hoạt động hội chợ triển lãm, giao lưu thương mại...