Tính đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 750 nghìn tỷ đồng/năm, tăng 31,2% so với mục tiêu đề ra và cao gấp hơn 2 lần so với năm 2016; các làng nghề được duy trì, phát triển ổn định... Đó là những kết quả nổi bật mà T.X Phổ Yên đạt được trong triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và làng nghề giai đoạn 2016-2020. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển nhanh, mạnh với những điểm nhấn quan trọng.
Với lợi thế nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Quốc lộ 3 cũ chạy qua, T.X Phổ Yên có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất CN-TTCN. Trên cơ sở này, Thị xã đã triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn; tập trung giải phóng mặt bằng để bàn giao quỹ đất sạch thực hiện các dự án theo đúng kế hoạch, cam kết với nhà đầu tư. Định kỳ hoặc đột xuất, lãnh đạo Thị xã tổ chức gặp mặt, đối thoại với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Đến nay, trên địa bàn T.X Phổ Yên có 3 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 870ha (trong đó có 640ha thuộc T.X Phổ Yên), gồm: KCN Yên Bình (400ha), KCN Nam Phổ Yên (120ha), KCN Điềm Thụy (120ha). Các KCN đã thu hút được 28 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 6.703 triệu USD; 19 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng số vốn đăng ký 5.794 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy dự án tại các KCN đạt 50% diện tích được phê duyệt.
Theo ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, sự có mặt của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên tại KCN Yên Bình là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Sự phát triển ngày càng lớn mạnh của doanh nghiệp này đã thu hút một số công ty phụ trợ đầu tư vào các KCN, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn có bước tăng trưởng đột biến (giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 18% đến 27,7%/năm, tạo việc làm mới cho hơn 5.000 lao động/năm).
Ngoài ra, trên địa bàn Thị xã cũng có 4 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 104,64ha, gồm: CCN số 2 cảng Đa Phúc (có diện tích 30ha), CCN số 3 cảng Đa Phúc (19,64ha), CCN Vân Thượng (47ha) và CCN làng nghề Tiên Phong (mới được quy hoạch bổ sung với diện tích 8ha). Trong đó, 2 CCN đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (gồm CCN số 2 và số 3 cảng Đa Phúc), 2 CCN chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết; 16 doanh nghiệp đăng ký đã đầu tư sản xuất tại các CCN, tỷ lệ lấp đầy dự án đạt 80% diện tích được phê duyệt...
Sản xuất các sản phẩm đồ gỗ tại Làng nghề gỗ mỹ nghệ Cẩm Trà, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên).
Cùng với các dự án đầu tư tập trung, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng xã, phường, T.X Phổ Yên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể, cá nhân đầu tư vào sản xuất; khuyến khích các hộ sản xuất CN-TTCN cùng các làng nghề của địa phương phát triển. Theo đó, từ năm 2016 đến nay đã có 16 dự án đăng ký vốn đầu tư với số vốn trên 2.211 tỷ đồng, diện tích thuê đất trên 176ha. 34 làng nghề và làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì, phát triển, tạo việc làm cho hơn 7.500 lao động địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn cũng đã có gần 2.000 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN, tăng 15,9% so với năm 2016. Thị xã cũng đã hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng cho các hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu thông qua việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh...
Ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Thép Việt Cường, trụ sở tại phường Ba Hàng cho biết: Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2011) đến nay, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía chính quyền địa phương về mặt bằng, an ninh trật tự được đảm bảo để mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Năm 2019, Công ty đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch đề ra, nộp ngân sách Nhà nước trên 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng…
Nhờ phát huy những lợi thế của địa phương cùng với vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, những năm qua, kinh tế - xã hội trên địa bàn T.X Phổ Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, trong cơ cấu kinh tế của địa phương, công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 97%; nông, lâm, thủy sản còn dưới 3%; lĩnh vực CN-TTCN và làng nghề đã giải quyết việc làm cho trên 87.700 lao động, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển CN-TTCN và làng nghề trên địa bàn T.X Phổ Yên vẫn còn một số khó khăn, như: Hạ tầng các CCN chưa được đầu tư đồng bộ, chưa tạo được quỹ đất sạch để làm điểm nhấn thu hút đầu tư. Hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của kinh tế thị trường, dẫn đến một số sản phẩm của làng nghề khó khăn về đầu ra... Thời gian tới, Thị xã sẽ tiếp tục huy động nhiều nguồn lực triển khai đầu tư đồng bộ về hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp phát triển sản xuất tại các CCN; ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh (như điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản). Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” ..