Khi đợt dịch COVID-19 đầu tiên lắng xuống, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn T.P Thái Nguyên đang nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh thì “làn sóng” dịch thứ hai lại xảy ra vào cuối tháng 7. Vì thế các DN gặp khó trở lại. Trước thực trạng này, các DN cần có nhiều giải pháp để vượt qua thách thức, duy trì hoạt động đổn định, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Công ty CP Đúc Thái Nguyên nằm trong Cụm công nghiệp Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là đúc và gia công cơ khí. Những năm trước, Công ty hoạt động khá hiệu quả, nhưng từ khi xuất hiện dịch COVID-19 thì gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty cho biết: Để duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch, chúng tôi phải tìm mọi giải pháp trong sản xuất như: Bố trí thời gian sản xuất linh hoạt; nhận những đơn hàng nhỏ lẻ mà trước kia Công ty thường bỏ qua để duy trì hoạt động sản xuất và tạo công ăn việc làm cho công nhân lao động. Mặc dù hiện nay, chúng tôi vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho 100% lao động, nhưng trên thực tế Công ty rất chật vật. Càng khó khăn hơn khi hiện nay dịch COVID-19 bùng phát trở lại và không biết bao giờ mới kết thúc. Hiện, chúng tôi đang đặt mua 1 dây chuyền đúc khuôn cát tươi tự động, nhập khẩu từ Hàn Quốc, trị giá trên 100 tỷ đồng nhưng do dịch COVID-19 không thể chuyển thiết bị về.
Tương tự, Công ty CP Kết cấu thép số 5, ở phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) cũng gặp không ít khó khăn trong đợt dịch COVID-19 thứ hai này. Ông Hoàng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty chia sẻ: Ngành nghề kinh doanh của Công ty là chuyên xây dựng nhà xưởng công nghiệp cho các đối tác nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam, nhưng do dịch COVID-19 xuất hiện, các đối tác nước ngoài không sang Việt Nam đầu tư nên các đơn đặt hàng xây dựng nhà xưởng cũng thưa dần. Nếu như những tháng trước Công ty còn duy trì sản xuất bằng việc nhận các đơn hàng nhỏ lẻ nhưng nay các đơn hàng này cũng hiếm. Trên thực tế, chúng tôi đang phải cho công nhân nghỉ luân phiên vì không đảm bảo đủ việc làm cho họ.
Khảo sát thêm ở một số DN trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy nhiều DN tiếp tục khó khăn trong thời gian gần đây. Bà An Thị Hồng Thanh, Phó Giám đốc kinh doanh của Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan cho hay: Sau thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 Công ty dần khôi phục lại việc kinh doanh, thì nay việc kinh doanh lại rơi vào tình trạng bế tắc. Theo đó, các đầu xe chạy chỉ đạt khoảng 60% công suất, lái xe tiếp tục phải nghỉ việc luân phiên.
Còn ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn du lịch Dạ Hương thì nói: Trong tháng 6, khách hàng đặt vé đi tuor khá đông, nhưng dịch COVID-19 xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng nhiều khách hàng lại hủy chuyến, gây thiệt hại về kinh tế khá lớn cho Công ty…
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về những DN gặp khó khăn trong đợt dịch COVID-19 lần hai, nhưng theo ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội doanh nghiệp T.P Thái Nguyên, địa phương có gần 4.600 doanh nghiệp, số lượng DN lớn nhưng chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, nên sức chịu đựng thách thức của các DN có hạn. Hiện nay, trên thế giới và trong nước, dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, không có cách nào khác, các DN vừa phải chống dịch, vừa phải đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ông Quang cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực, tự thân của các DN thì Chính phủ cũng nên có thêm những gói hỗ trợ phù hợp để các DN vượt qua giai đoạn này.