Tạo ra những sản phẩm có mẫu mã đẹp hơn, đáp ứng với nhu cầu của khách hàng... đó là những nhận xét của của anh Lương Anh Văn, chủ cơ sở đồ gỗ Văn Sáu, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) và người lao động đang làm việc tại đây khi được tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chỉ gia công cho các cơ sở khác thì đến nay sau gần 10 năm cơ sở đồ gỗ Văn Sáu đã trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất nhì trên địa bàn xã Trung Thành với một cửa hàng bày bán hàng trăm sản phẩm đồ gỗ trên diện tích mặt sàn khoảng 1.000m2 và 2 xưởng có tổng diện tích gần 10.000m2. Mỗi tháng cơ sở cung cấp ra thị trường gần trên 100 sản phẩm như bàn ghế, kệ, đồ thờ, tranh phong thuỷ... doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho trên 30 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Lương Anh Văn, chủ cơ sở đồ gỗ Văn Sáu cho biết: Để tạo ra những sản phẩm với mẫu mã đẹp, đáp ứng với nhu cầu thị trường, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường... trong những năm qua ngoài việc tìm tòi, học hỏi thì tôi và những lao động tại đây đã tham gia khoá học về đào tạo nghề mộc truyền thống do Trường Trung cấp dân tộc nội trú Thái Nguyên tổ chức vào năm 2015 và 2018. Trong quá trình học, chúng tôi vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành ngay tại xưởng, được trang bị kiến thức, kỹ năng về nghề mộc một cách bài bản hơn. Do học viên đã có sẵn tay nghề vì thế việc tiếp nhận từ lớp học rất nhanh.
Anh Hoàng Văn Dân, đã có 8 năm làm công việc sơn các sản phẩm tại cơ sở đồ gỗ Văn Sáu cho biết: Tôi vào đây làm việc chủ yếu do các thợ đi trước truyền lại theo kiểu cầm tay chỉ việc chứ không được đào tạo qua trường lớp nào cả. Vì vậy, khi được tham gia lớp đào tạo về nghề mộc tay nghề của tôi đã được nâng lên. Ví như trước đây để lên màu một bộ sản phẩm Án thờ tôi phải mất một ngày, giờ chỉ mất khoảng nửa ngày và màu sơn đều, đẹp, đúng ý với khách hàng hơn.
Nhờ được trang bị kiến thức thông qua lớp đào tạo nghề, người lao động của cơ sở gỗ Văn Sáu đã tạo ra sản phẩm có mẫu mã phong phú hơn với nhiều hoa văn, kiểu dáng, màu sắc khác nhau, năng suất lao động tăng cao, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên và tạo được niềm tin với khách hàng. Ngoài ra, các học viên tham gia lớp học cũng được giới thiệu về thị trường đồ gỗ hiện nay, những phân khúc sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, từ đó người lao động trong cơ sở sản xuất gỗ Văn Sáu đã tạo ra những nhóm sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước đây, cơ sở sản xuất giường, tủ cho bà con trong vùng. Hiện tại cơ sở đã sản xuất những sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao như tranh gỗ phong thuỷ, bình hoa, kệ, hoành phi câu đối... tạo được sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Không chỉ có cơ sở đồ gỗ của anh Văn, từ năm 2010 đến nay Trường Trung cấp dân tộc nội trú Thái Nguyên đã tổ chức đào tạo cho 15.108 lao động nông thôn, với các nghề sửa chữa điện, chế biến và bảo quản chè, sửa chữa máy nông nghiệp, mộc truyền thống... Ông Nguyễn Duy Nhất, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp dân tộc nội trú Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua nhà trường đã phối hợp các phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của người học. Trong đó chú trọng thực hành là chính, nên học viên có thể áp dụng ngay vào thực tế. Sau đào tạo người lao động đều được các doanh nghiệp tiếp nhận và tham gia lao động tại chỗ.