Hợp Tiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ nhưng có lợi thế là nhiều diện tích đất rừng, đất đồi (với hơn 3.800ha). Do vậy, xã đã khuyến khích người dân trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gà thả đồi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Gia đình ông Lê Văn Chung, ở xóm Suối Khách sở hữu diện tích đất rừng rộng mênh mông, cây cối xanh tốt. Dưới tán rừng, ông đang nuôi 2.000 con gà ta thả đồi chuẩn bị đến tuổi xuất bán. Ông Chung là một trong những người tiên phong của xã Hợp Tiến chăn nuôi gà thả đồi từ khoảng 20 năm trước. Ông cho biết: Gia đình tôi có hơn 1ha đất rừng trồng keo. Nếu chỉ trồng keo thì thu nhập không cao (khoảng 70-80 triệu đồng/chu kỳ 5 năm), do vậy, tận dụng diện tích đất dưới tán keo, khi cây trồng được 2-3 năm, gia đình tôi đã nuôi thêm gà. Trung bình mỗi năm, gia đình bán được 2 lứa gà, với khoảng 8 tấn, thu về được gần 500 triệu đồng, trừ các chi phí cũng lãi hơn 200 triệu đồng.
Tương tự gia đình ông Chung, với gần 1ha đất đồi rừng, chị Triệu Thị Nhung, ở xóm Mỏ Sắt cũng chăn thả hơn 500 còn gà lai mía và ri lai mỗi lứa. Nhờ nắm chắc các kỹ thuật chăm sóc nên đàn gà của gia đình chị luôn khỏe mạnh, không phải sử dụng đến thuốc kháng sinh, chất lượng gà thịt thơm ngon. Cũng chính vì vậy, gà của gia đình chị cứ đến ngày xuất bán đều được bà con trong và ngoài xã đến tận nhà để mua hết. Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi gà, chị Nhung cho biết: Để đàn gà khỏe mạnh, lớn nhanh, ít bệnh thì việc chọn giống, cách chăm sóc gà qua từng giai đoạn rất quan trọng. Giai đoạn từ 2-2,5 tháng tuổi hay khi thời thiết giao mùa, gà rất có thể bị nhiễm bệnh cầu trùng, viêm đường hô dấp… do đó, cần phải bổ sung tiêm phòng vắc xin trước thời điểm đó, tránh cho đàn gà bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi thường xuyên cũng là điều kiện để đàn gà phát triển tốt.
Qua thống kê, trên địa bàn xã Hợp Tiến hiện nay có khoảng 100 hộ chăn nuôi gà thả đồi, tập trung nhiều ở các xóm: Cao Phong, Suối Khách, Mỏ Sắt..., trung bình mỗi hộ nuôi từ 500-4.000 con/lứa. Dịp cuối năm, có hộ chăn nuôi lên tới 5.000 con gà để xuất bán phục vụ thị trường dịp Tết. Trung bình mỗi năm, các hộ xuất bán từ 2-3 lứa gà, với giá bán trung bình từ 60-65 nghìn đồng/kg (đặc biệt, với những gia đình nuôi gà trống thiến thời gian từ 6-7 tháng trở lên có thể bán 100-120 nghìn đồng/kg), mỗi hộ có thể thu từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, tư thương ở các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Giang thường đến tận nơi thu mua.
Ông Triệu Văn Đồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Đa phần các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn đều là hội viên nông dân. Chính vì vậy, thời gian qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với một số ngành chức năng của huyện, tỉnh, các công ty giống, thức ăn chăn nuôi trong và ngoài tỉnh tập huấn các kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm gà đồi Hợp Tiến. Ngoài ra, hiện nay, chúng tôi vừa thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả đồi, với 10 thành viên là hội viên nông dân tham gia. Trước mắt là tạo chuỗi liên kết giữa các hộ dân với nhau trong việc phổ biến, hướng dẫn, học hỏi, trao đổi các kỹ thuật chăn nuôi, dần hướng bà con đến việc chăn nuôi gà theo quy trình an toàn. Còn về lâu dài sẽ liên kết với các công ty để đảm bảo khâu tiêu thụ sản phẩm tiến tới dựng thương hiệu gà đồi Hợp Tiến.