Thời gian qua, nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, thành viên Hợp tác xã (HTX) chè Nhật Thức, ở xóm Khuôn 2, xã Phục Linh (Đại Từ) đã thay đổi tư duy trong sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
HTX chè Nhật Thức được thành lập ngày 21/7/2017 với 20 thành viên. Các thành viên HTX đều trồng chè lâu năm nhưng chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được tiếp cận với quy trình trồng chè an toàn. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm chè an toàn, chất lượng tốt nhất đến người tiêu dùng, các thành viên HTX luôn tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn về trồng, chế biến chè.
Chị Đào Thị Thức, Giám đốc HTX chè Nhật Thức cho biết: Đúng dịp thành lập HTX, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) tổ chức lớp đào tạo nghề chế biến chè xanh, chè đen tại xã. Nhận thấy đây là cơ hội học tập thuận lợi, tôi và 14 thành viên HTX đã đăng ký tham gia. Lớp học rất bổ ích, giúp chúng tôi thay đổi tư duy, chuyển đổi từ phương pháp sản xuất truyền thống sang sản xuất theo quy trình an toàn.
Lớp đào tạo nghề chế biến chè xanh, chè đen tại xã Phục Linh được tổ chức theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trong 3 tháng tham gia lớp học, các học viên được truyền dạy kiến thức về trồng chè an toàn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” như: trực tiếp nhận biết các loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng, hướng dẫn cách cải tạo đất, phương pháp ủ, bón phân hữu cơ, chế biến chè an toàn...
Chị Đặng Thị Tâm, xóm Lược 1, thành viên HTX cho biết: Trước đây, chúng tôi vẫn dùng thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm và tư vấn của người bán thuốc. Sau khi tham gia lớp học, tất cả thành viên HTX đều chuyển sang dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép theo liều lượng quy chuẩn, đồng thời không dùng thuốc diệt cỏ mà chuyển sang dùng máy cắt cỏ. Chúng tôi cũng tích cực sử dụng phân chuồng hoai mục, giảm lượng phân vô cơ xuống mức 10-15% tổng lượng phân bón.
Không chỉ có vậy, các học viên còn được hướng dẫn cách hái, áp dụng trang thiết bị, công nghệ chế biến chè hiện đại vào sản xuất. Như việc hái chè, trước đây, người dân thường hái dài để thu được nhiều chè, nhưng sản phẩm chè chất lượng, giá bán thấp. Sau khi tham gia lớp học, bà con hái chè ngắn lại. Mặc dù lượng chè thu một lứa thấp hơn nhưng bà con lại hái được nhiều lứa hơn. Giá bán chè cũng tăng từ 120.000-150.000 đồng/kg lên 250.000-300.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các học viên cũng được hướng dẫn cách sử dụng máy sao ga, máy sao điện, tủ sấy... Ban Giám đốc HTX được tư vấn, tìm hiểu về việc xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện thương hiệu và bao bì, mẫu mã sản phẩm.
Từ kiến thức được học, các thành viên HTX đã từng bước chuyển sang sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn. Đến nay, toàn bộ vùng chè nguyên liệu rộng hơn 10ha của HTX đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, sản phẩm chè tôm nõn cao cấp của HTX được công nhận sản phẩm OCOP và đạt Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ II. Sản phẩm chất lượng đã góp phần giúp HTX chinh phục thị trường khó tính, từ đó tăng lượng hàng tiêu thụ, nâng cao doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của thành viên. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt hơn 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 500 triệu đồng và tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, HTX chè Nhật Thức đang xây dựng vùng chè hữu cơ rộng hơn 4ha với 8 thành viên nòng cốt đều là học viên tham gia lớp đào tạo nghề chế biến chè xanh, chè đen tổ chức năm 2017 tại xã. Đây sẽ là vùng nguyên liệu để HTX tạo ra sản phẩm chè hữu cơ, tiếp tục khẳng định chất lượng trên thị trường.