Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh khẳng định: Chưa khi nào khu vực kinh tế tập thể được quan tâm hỗ trợ nhiều như hiện nay. Trong đó, chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các HTX được triển khai từ năm 2018 đã cho thấy hiệu quả khá rõ, góp phần tiếp sức cho các đơn vị KTTT vốn gặp nhiều khó khăn.
Chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các HTX nằm trong Đề án phát triển kinh tế tập thể của tỉnh giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, từ nguồn ngân sách tỉnh, từ năm 2018 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng giúp 68 lượt HTX trả lương cho những lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên, gồm kế toán và nhân viên kỹ thuật. Mức hỗ trợ theo lương tối thiểu vùng, trung bình khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng. Để thực hiện đúng và phát huy hiệu quả chính sách, hằng năm, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các địa phương và cơ quan chuyên môn thẩm định kỹ hiệu quả hoạt động và triển vọng của các HTX đề nghị hỗ trợ; về bằng cấp, năng lực của người được thu hút…
Từ thực tế hiện nay cho thấy tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao là một trong những điểm yếu nhất của các HTX. Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, tỷ lệ lãnh đạo HTX có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên hiện chỉ chiếm khoảng 7%, đối với tỉnh Thái Nguyên cũng nằm trong thực trạng chung đó. Và trong tổ chức, hoạt động của các HTX, nhất là HTX nông nghiệp thì khâu yếu nhất thường là quản trị, hạch toán, kế toán. Nhiều đơn vị làm không đúng quy định, thiếu minh bạch, bị cơ quan thuế nhắc nhở, xử phạt. Vì vậy, chính sách này tập trung giúp các HTX thu hút nhân lực là kế toán chuyên nghiệp nên rất thiết thực.
HTX Dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp Liên Sơn (ở xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên) hiện có trên 1.200 thành viên, thành lập từ thời bao cấp, đã nhiều lần chuyển đổi theo Luật và duy trì hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, do ưu tiên phục vụ, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên nên lợi nhuận hằng năm của HTX chỉ đạt khoảng 400 triệu đồng, 60% số đó được dùng trả thù lao cho bộ máy điều hành.
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: Chúng tôi phải có 2 kế toán, trong đó 1 người đã gắn bó với HTX nhiều năm nhưng chỉ học hết lớp 7. Một số người trẻ có trình độ chuyên môn nhưng đến làm môt thời gian lại bỏ vì HTX trả lương thấp. Gần đây, chúng tôi tuyển được một kế toán trẻ đã tốt nghiệp đại học giúp công việc trôi chảy và yên tâm hơn. HTX được hỗ trợ trả lương cho kế toán viên này từ đầu năm 2019 nên cũng bớt đi khá nhiều gánh nặng chi phí.
Cũng chia sẻ về hiệu quả của chính sách này, chị Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX Chè Tuyết Hương (xã Hóa Trung, Đồng Hỷ) nói: Trước năm 2018, do khó khăn nên HTX chỉ thuê một kế toán thời vụ, họ làm không trú tâm dẫn đến sai sót nhiều khiến HTX bị cơ quan thuế xử phạt. Khi biết có chính sách hỗ trợ các HTX thu hút nhân lực, chúng tôi đã tuyển một kế toán viên và được nhận hỗ trợ trả lương từ năm 2018. Từ đó, công tác kế toán tốt hơn trước rất nhiều…
Vì hiệu quả và sự thiết thực nên đại diện các HTX đều mong muốn các cấp, ngành liên quan tiếp tục triển khai chính sách này theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng. Qua đó giúp khu vực KTTT vơi bớt khó khăn, tăng hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh để phát triển.