Trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 13,1%/năm, cao hơn 4,1% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Kết quả này cho thấy những nỗ lực rất lớn của tỉnh trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Bên cạnh những thành công đạt được thì vẫn còn không ít vấn đề đặt ra để việc thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu hàng hóa trong nhiệm kỳ tới bảo đảm sự ổn định, bền vững và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Dấu ấn qua những con số
Có thể nói, với sự xuất hiện của Tập đoàn Samsung - nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới - trên địa bàn tỉnh đã giúp cho Thái Nguyên có được những bước tiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Còn nhớ, năm 2012, giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 136 triệu USD, nhưng từ khi bắt đầu có sự tham gia của Samsung (cuối năm 2013) thì giá trị này đã tăng lên rất nhanh, với gần 8 tỷ USD trong năm 2014, rồi đạt gấp 2 lần vào năm 2015 (với 15,95 tỷ USD).
Bước vào năm 2016, với sự hoạt động ổn định và ngày càng mở rộng của Samsung, cùng với đó là sự góp mặt của hàng loạt DN phụ trợ cho Samsung, Thái Nguyên đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này tiếp tục giúp giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tăng đều qua các năm: 19,1 tỷ USD năm 2016 lên 22,74 tỷ USD năm 2017; rồi 24,84 tỷ USD năm 2018 và năm 2019 là 27,636 tỷ USD. Dự kiến năm nay, giá trị này sẽ đạt khoảng 28,5 tỷ USD.
Với kết quả này, Thái Nguyên những năm qua đã được biết đến là một trong 4 tỉnh có giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân 20%/năm; xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,9%/năm, chiếm 98,2% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh: Những kết quả đạt được trong hoạt động xuất khẩu đã tác động rất tích cực đến nhiều chỉ tiêu khác của tỉnh, như: Giải quyết việc làm; tăng thu nhập bình quân đầu người; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng giá trị sản xuất công nghiệp; tăng thu cho ngân sách nhà nước...
Và những vấn đề đặt ra
Kết quả thực hiện chỉ tiêu giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh 5 năm qua là rất ấn tượng, nhưng nếu phân tích tổng thể thì vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.
Đầu tiên phải kể đến là tỷ trọng đóng góp của DN có vốn đầu tư trong nước vào giá trị này còn quá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số (tương ứng với trên 500 triệu USD). Và trong số các mặt hàng xuất khẩu của địa phương, cũng chỉ có 2 mặt hàng chủ lực, đó là may mặc và khoáng sản kim loại màu. Mỗi mặt hàng chiếm khoảng 35-40% giá trị xuất khẩu địa phương. Còn lại là các mặt hàng khác như: dụng cụ cầm tay, thiết bị y tế, nông, lâm sản...
Thứ hai là trong chính giá trị xuất khẩu của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì chiếm trên 93% là mặt hàng điện tử của Samsung và các DN phụ trợ. Thực tế này đang tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro. Bởi chỉ cần DN này gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh sẽ lập tức tác động đến việc thực hiện không chỉ chỉ tiêu này của tỉnh, mà còn tác động đến việc thực hiện nhiều chỉ tiêu KT-XH khác. Điều này đã và đang được minh chứng rõ rệt trong đợt dịch COVID-19 này. Cụ thể là khi Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới đóng cửa đường biên khiến Samsung khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì lập tức nhiều chỉ tiêu của tỉnh đã không bảo đảm được tiến độ đề ra. Chỉ khi Samsung khởi sắc trở lại thì các chỉ tiêu này mới lấy lại đà tăng trưởng.
Trung bình mỗi năm, giá trị xuất khẩu chè của tỉnh đạt khoảng 1 triệu USD. Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Chè Hà Thái (Đại Từ). Ảnh: T.H
Ngoài ra, với thương hiệu chè nổi tiếng trong và ngoài nước, nhưng giá xuất khẩu chè Thái Nguyên những năm qua chỉ dao động từ 2,2-2,5USD/kg. Đây được cho là mức giá quá thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Trong khi đó, số diện tích cũng như số hộ có thu nhập chính từ chè trên địa bàn tỉnh hiện rất lớn và khả năng xuất khẩu chè với giá trị vài chục, thậm chí vài trăm USD/kg là hoàn toàn có thể...
Đâu là giải pháp?
Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu Thái Nguyên không tạo thêm được những nhân tố mới để tạo ra giá trị gia tăng trong thời gian tới, thì việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của tỉnh sẽ gặp khó khăn, bởi 1% giá trị tăng thêm hiện nay đang là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương thì: Một trong những nhiệm vụ cần thiết phải được quan tâm, làm tốt đó là công tác giải phóng mặt bằng. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì trước xu hướng dịch chuyển của các DN FDI bị tác động bởi dịch COVID-19 thì chúng ta phải biết tận dụng thời cơ để ”dọn tổ đón đại bàng”. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 khu công nghiệp là Sông Công 2 và Yên Bình là còn khá nhiều dư địa để thu hút các nhà đầu tư. Do đó, việc mở rộng quy hoạch 2 khu này hiện nay đang trở nên rất cần thiết. Cùng với đó là việc quan tâm đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp để tạo điều kiện cho DN nhỏ, siêu nhỏ có cơ hội đầu tư, phát triển.
Về vấn đề lựa chọn nhà đầu tư, chúng ta không nên coi trọng đó là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, mà điều cốt yếu là ở sức lan tỏa và tạo ra giá trị gia tăng của DN, đóng góp vào số thu ngân sách của tỉnh. Đồng thời cần thiết phải thay đổi phương thức thu hút đầu tư. Thay vì để nhà đầu tư tự tìm đến thì từng sở, ngành chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động tìm kiếm, kết nối để mời gọi những nhà đầu tư thực sự có tiềm năng.
Việc thực hiện chỉ tiêu giá trị xuất khẩu đã và sẽ tác động quan trọng, mạnh mẽ đến nhiều chỉ tiêu KT-XH khác của tỉnh. Hy vọng rằng, những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua sẽ là tiền đề quan trọng để Thái Nguyên tự tin hoạch định và thực hiện tốt các chỉ tiêu KT-XH trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, tìm ra được những giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế, đưa Thái Nguyên trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ và sáng tạo hàng đầu của miền Bắc và của đất nước trong mối liên kết chặt chẽ với DN FDI và DN dân doanh theo định hướng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2018.