Đồng Hỷ siết chặt quản lý khai thác khoáng sản

07:11, 31/10/2020

Huyện Đồng Hỷ có nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) khá dồi dào, chủ yếu là các mỏ quặng sắt, chì, kẽm, đá vôi... Những năm gần đây, huyện đã tăng cường quản lý TNKS với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Nhờ đó, hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trên địa bàn từng bước đi vào nền nếp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Khoảng 10 năm về trước, huyện Đồng Hỷ từng là “điểm nóng” về tình trạng khai thác khoáng sản (KTKS) trái phép, “quặng tặc” hoành hành làm cho đất đai, rừng cây bị “xẻ thịt” nghiêm trọng ở nhiều nơi, đặc biệt là tại một số địa điểm: Công trường núi Quặng (thuộc Mỏ sắt Trại Cau); khu vực xóm Kim Cương, xã Cây Thị… Trước tình trạng trên, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, chỉ đạo các địa phương tổ chức truy quét, bắt giữ các đối tượng vận chuyển, dẹp bỏ các điểm đào xới, khai thác quặng trái phép. Nhờ đó, hoạt động KTKS dần đi vào nền nếp.

Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã tích cực tham mưu với UBND huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là phối hợp với chính quyền các địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về TNKS trên địa bàn. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân để bà con cùng tham gia giám sát các doanh nghiệp được cấp phép, đồng thời phản ánh kịp thời với cơ quan chức năng về tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn…

Trước đây, thị trấn Trại Cau là địa phương thường xảy ra tình trạng KTKS trái phép, bà con nhân dân phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, đời sống nhân dân mới dần ổn định trở lại. Ông Vũ Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: Hiện nay, các hoạt động khai thác khoảng sản trên địa bàn được quản lý tốt, không còn tình trạng khai thác trái phép như những năm trước. Đảng ủy, UBND thị trấn thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ TNKS của nhân dân cũng như các tổ chức, cá nhân.

Do vi phạm trong lĩnh vực môi trường, Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị, ở xã Cây Thị (Đồng Hỷ) mới bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 260 triệu đồng. Trong ảnh: Dây chuyền tuyển rửa quặng sắt của Chi nhánh đã phải tạm dừng hoạt động.

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có 43 doanh nghiệp, đơn vị đang tham gia KTKS, với 64 điểm mỏ đã được cấp phép, tổng diện tích các mỏ được cấp gần 2.200ha. Để quản lý tốt hoạt động KTKS, thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã huy động cả hệ thống chính trị cùng nhân dân vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, nhằm trang trị kiến thức pháp luật về TNKS, nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ các mỏ khoáng sản trên địa bàn; gắn trách nhiệm cho người đứng đầu các xã, thị trấn; ký cam kết bảo vệ nguồn TNKS hàng năm giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân; tăng cường giám sát, kiểm tra mọi hoạt động liên quan đến KTKSBình quân mỗi năm, huyện đã phối hợp tiến hành từ 15-20 cuộc kiểm tra. Năm 2020, 1 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với mức phạt 260 triệu đồng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong các cuộc kiểm tra về lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện Đồng Hỷ thường tập trung vào những vấn đề: Các doanh nghiệp có khai thác đúng tọa độ, diện tích, trữ lượng theo giấy phép được cấp hay không; phương pháp, quy trình kỹ thuật như thế nào; về vấn đề bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn mỏ, an toàn lao động, an toàn vật liệu nổ ra sao; có thực hiện đúng, đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không; việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên...

Ngoài ra, khi có phản ánh của người dân, huyện chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm nếu có. Hàng năm, huyện cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản của pháp luật liên quan đến công tác quản lý khoáng sản; vận động các tổ chức, cá nhân không tham gia hoạt động khai thác, thu mua, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản trái phép...

Đối với những mỏ chưa khai thác, huyện phân công rõ trách nhiệm cho các phòng, ban và chính quyền cấp xã phối hợp thực hiện việc quản lý bảo vệ, khi phát hiện hành vi vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Với những điểm mỏ hết thời gian khai thác, huyện đề nghị chủ mỏ thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường bàn giao đất để địa phương quản lý. Ông Phạm Văn Bảy cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Với những điểm nóng phát sinh, huyện sẽ thành lập tổ giám sát để bảo đảm doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật…