Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bởi vậy, những năm qua, hàng trăm chương trình, chính sách về dân tộc và miền núi đã được tỉnh triển khai thực hiện với tổng kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh từng bước ổn định và phát triển, hạ tầng cơ sở ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng cao.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 384 nghìn người là đồng bào DTTS, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh; có 124 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi. Nhìn chung, đời sống của bà con vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn. Để giúp đồng bào DTTS và miền núi nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, những năm qua, đã có hơn 100 chương trình, chính sách, dự án, đề án của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã và đang được được triển khai trên địa bàn, như: Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng DTTS đặc biệt khó khăn; Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020...
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực đầu cho các chương trình, dự án, chính sách vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh là trên 6.000 tỷ đồng. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi từng bước ổn định và phát triển, hạ tầng cơ sở ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng cao.
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Định Hóa vừa được đầu tư xây mới, đáp ứng nhu cầu ở nội trú và học tập cho hơn 300 học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện từ năm học 2020-2021. Ảnh: T.N
Xã Dân Tiến (Võ Nhai) là một trong những xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, được hưởng lợi từ Chương trình 135. Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: 5 năm qua, nhờ có những chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, xã đã làm được gần 60km đường giao thông; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; các xóm đều có nhà văn hóa. Tỷ lệ người dân có việc làm thường xuyên chiếm 95,6%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,58%. Đến nay xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Còn ông Hầu Văn Thành, dân tộc Mông, xóm Lân Vai, xã Dân Tiến chia sẻ: Xóm có 74 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô. Những năm gần đây, nhờ tuyến đường trục xóm dài hơn 4km được đổ bê tông, đi lại thuận tiện, bà con lại được Nhà nước hỗ trợ giống ngô mới cho năng suất cao và phân bón, được cán bộ khuyến nông huyện, xã tận tình hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm bón nên thu nhập từ cây ngô cao hơn trước nhiều. Từ đó, đời sống của bà con được cải thiện, hiện nay số hộ nghèo trong xóm đã giảm một nửa so với năm 2015.
Không riêng xã Dân Tiến, mà nhờ có các chính sách, đề án đặc thù, bà con DTTS ở các xã như Tân Long, Văn Lăng (Đồng Hỷ), Phú Thượng, Thượng Nung (Võ Nhai), Động Đạt (Phú Lương)... đã được hưởng nhiều lợi ích thiết thực về đường giao thông, hỗ trợ tư liệu sản xuất, sử dụng nước sạch sinh hoạt, điện lưới quốc gia...
Ông Vũ Thăng Long, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Lương cho biết: Trước đây, đời sống của người vùng DTTS và miền núi trên địa bàn huyện rất khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học, kỹ thuật. Nhờ việc hỗ trợ cây, con giống; chuyển đổi nghề; vay vốn ưu đãi; hỗ trợ đất sản xuất từ các chính sách dân tộc của Trung ương và địa phương, diện mạo vùng DTTS và miền núi có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên. Cuối năm 2019 đã có 2/4 xã của huyện được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là xã Hợp Thành và xã Phú Đô.
Từ các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện có hiệu quả, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã có 12 xã được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; có 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (đứng đầu toàn quốc). Đến nay, 100% xóm, bản vùng dân DTTS trên địa bàn tỉnh đã có điện lưới quốc gia; 74/114 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (cao gấp 2 lần bình quân chung của vùng DTTS và miền núi toàn quốc). Thái Nguyên là tỉnh xếp thứ 2 trong số 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất; 100% số xã vùng DTTS trong tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục đúng độ tuổi...
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, biện pháp trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Nhiều chương trình, đề án được các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể phối hợp triển khai, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, giám sát quá trình thực hiện. Do đó, các chương trình, chính sách dân tộc đều được triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, địa bàn, đối tượng, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, củng cố niềm tin của bà con nhân dân đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương…