Thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 (NQ94) của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế (NNT) không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước (NSNN), Cục Thuế tỉnh đã và đang thực hiện việc công khai danh sách của 2.103 trường hợp. Trong đó đang xem xét, giải quyết đối với 1.438 hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xóa nợ.
Nhiều năm qua, quản lý nợ thuế đối với NNT không còn khả năng trả nợ NSNN luôn là một trong những vấn đề khó khăn của ngành Thuế, do đó, NQ94 được xem là giải pháp quan trọng giúp việc theo dõi, quản lý nợ thuế trở nên dễ dàng thuận lợi hơn. Theo đó, có 7 trường hợp nằm trong đối tượng được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2020 mà không còn khả năng nộp NSNN.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các trường hợp đề nghị được khoanh nợ, xóa nợ gồm: NNT đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; NNT có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng NNT chưa hoàn thành thủ tục giải thể; NNT đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định; NNT không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế.
Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, Phụ trách phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thì số lượng NNT thuộc đối tượng quy định tại khoản 4, Điều 4, Nghị Quyết 94 chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số hồ sơ đề nghị xử lý nợ. Hầu hết các đối tượng này đều không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế. Tuy số lượng đề nghị khá nhiều nhưng thực tế, có những NNT chỉ còn nợ vài nghìn đồng, thậm chí vài trăm đồng lẻ… nhưng do còn nợ nên vẫn phải theo dõi, quản lý trên hệ thống quản lý của cơ quan thuế. Nếu không được khoanh nợ thì tiếp tục phát sinh tiền chậm nộp dẫn đến số tiền nợ thuế ngày càng tăng. Chỉ một số ít DN có số nợ lớn, trong đó nhiều nhất là Công ty TNHH MTV xây dựng và khai khoáng Việt Bắc được đề nghị xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp hơn 47 tỷ đồng; Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng hơn 20,6 tỷ đồng; Chi nhánh 522 - Công ty TNHH MTV xây dựng và khai khoáng Việt Bắc hơn 2,2 tỷ đồng…
Thượng tá QNCN Trần Văn Lương, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng và khai khoáng Việt Bắc, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Công ty chúng tôi thuộc nhóm đối tượng thứ hai của NQ94. Tôi cho rằng, việc Quốc hội ban hành NQ này là rất cần thiết. Việt Bắc thuộc diện giải thể theo Đề án Đổi mới sắp xếp lại DN trực thuộc Bộ Quốc phòng đã được Chính phủ phê duyệt năm 2015. Đến tháng 5-2017, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Quyết định giải thể Công ty. Kể từ đó, Việt Bắc đã dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do vướng mắc về tài chính, đặc biệt là khoản tiền phạt do chậm nộp thuế nên chưa thể giải thể. Tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết khó khăn này cho Công ty.
Công ty TNHH MTV Xây dựng và Khai khoáng Việt Bắc có ngành nghề chính là xây lắp và khai thác khoáng sản. Tuy là DN thuộc Bộ Quốc phòng nhưng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty đều bình đẳng như các DN khác, trong khi đó lại phải thực hiện một số nhiệm vụ an ninh quốc phòng ở những địa bàn khó khăn. Vốn Điều lệ được cấp rất thấp, Công ty hoạt động chủ yếu bằng vốn vay từ ngân hàng thương mại lãi suất cao. Đáng nói hơn là công nợ của Công ty thường bị kéo dài, có khoản lên tới trên 10 năm, đặc biệt là từ năm 2010 trở về trước. Thực tế này đã khiến Công ty rơi vào tình trạng khó khăn, không thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Theo ông Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế: Đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành một NQ liên quan đến việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT. Việc ra đời NQ sẽ giúp ngành thuế giảm áp lực quản lý nợ đối với các khoản nợ không có khả năng thu hồi, để dành thời gian cho việc thực hiện các nhiệm vụ thuế khác. NQ này chỉ là xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT, chứ không phải xóa nợ gốc. Trong trường hợp NNT đã được thực hiện theo NQ94 mà sau đó bị phát hiện không đúng đối tượng hoặc quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cơ quan chức năng sẽ hủy kết quả này và NNT vẫn phải có trách nhiệm phục hồi việc trả nợ… Các quy định được đưa ra trong NQ94 chặt chẽ, bởi thế, NNT rất khó lợi dụng để có thể trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với NSNN nếu còn khả năng.
Thời gian qua, Cục Thuế Thái Nguyên và các Chi cục Thuế đã phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn nơi NNT có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để công khai danh sách NNT đề nghị được xóa nợ; kiểm tra, xác minh thông tin NNT không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế. Đối với NNT do Cục Thuế quản lý thực hiện công khai danh sách đề nghị xóa nợ trên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 21/9/2020 đến ngày 20/10/2020. Sau thời gian công khai nếu cơ quan quản lý thuế không nhận được ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân thì sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của NNT theo quy định.
Theo NQ94, thẩm quyền xóa nợ đối với các khoản nợ của DN, hộ kinh doanh dưới 5 tỷ đồng là UBND tỉnh; từ 5-10 tỷ đồng là của Tổng cục Thuế; từ 10-15 tỷ đồng là của Bộ Tài chính và trên 15 tỷ đồng, thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ. NQ có hiệu lực trong 3 năm và đây là đợt thực hiện đầu tiên. Những trường hợp thuộc diện đối tượng nhưng chưa đầy đủ hồ sơ sẽ tiếp tục được cơ quan thuế trình trong các đợt tiếp theo.