Hiệu quả từ sự phối hợp trách nhiệm

07:17, 05/10/2020

Nếu như tính đến hết tháng 7, Thái Nguyên còn nằm trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với mặt bằng chung cả nước thì đến cuối tháng 9-2020, tỷ lệ này đã đạt 61%, vượt mức tối thiểu theo yêu cầu của Chính phủ đưa ra. Kết quả này cho thấy sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể. Dù vậy, để hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao trong năm nay, vẫn rất cần những nỗ lực tiếp theo của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền các địa phương và chủ đầu tư.

Nhiều biện pháp quyết liệt

Năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 5.034 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 3.892 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia 433 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ, vốn chương trình mục tiêu, vốn nước ngoài ODA và dự phòng ngân sách trung ương là 709 tỷ đồng.  Tính đến cuối tháng 7, tổng vốn đầu tư công được giải ngân mới đạt 37,8% (cùng kỳ năm 2019 đạt 47,3%). Trước kết quả này, ngày 4-8, Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu đã có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh để bàn giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Trong đó quán triệt quan điểm chỉ đạo đến cuối năm, tỉnh phải hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm nay.

Tiếp thu những gợi ý, chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 6-8, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2408/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.  Ngày 14-8, Tổ Công tác đã trực tiếp làm việc với 25 đơn vị, chủ đầu tư và 13 ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc các huyện, thành, thị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tại buổi làm việc, các chủ đầu tư và chủ tịch UBND các huyện, thành, thị đã ký cam kết với UBND tỉnh về việc thực hiện việc giải ngân theo đúng tiến độ được giao - nghĩa là đến ngày 30-9, phải hoàn thành tối thiểu 60% kế hoạch vốn và hết tháng 1-2021, hoàn thành 100%.  Để thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh,  một số đơn vị sau khi rà soát đã có văn bản báo cáo xin điều chuyển kế hoạch vốn do không có khả năng thực hiện (như Công an tỉnh là 8,9 tỷ đồng, Bộ Chỉ huy quân sự  tỉnh 2 tỷ đồng…).

Theo ông Đăng Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư: Để việc giải ngân đảm bảo tiến độ đặt ra, ngày 25-9, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn đợt 1 đối với những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, không có khả năng giải ngân sang những dự án có tỷ lệ giải ngân cao, có khả năng giải ngân còn thiếu vốn để hoàn thành dự án. Trên cơ sở này, ngày 28-9, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3001/QĐ-UBND điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2020 và kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020 thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh đã điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 34 dự án sang cho 18 dự án, với số tiền xấp xỉ 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả dự án chậm giải ngân đều do lỗi của chủ đầu tư, mà do khách quan mang lại. Đơn cử như những dự án sử dụng nguồn vốn cấp quyền sử dụng đất, nguyên nhân là do nguồn thu  này những tháng qua gặp khó khăn nên nhiều dự án chưa được bố trí vốn. Hay như dự án trồng rừng thì phải nghiệm thu tại hiện trường, đảm bảo tỷ lệ cây còn sống mới đủ điều kiện để giải ngân hết  kế hoạch vốn; một số dự án đê, kè theo quy định không thể khởi công, xây dựng vào mùa mưa bão...

Những chuyển biến tích cực

Trước sự vào cuộc quyết liệt nói trên, tính đến hết ngày 30-9, tổng nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân qua Kho bạc Nhà nước đạt 3.077 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch vốn được giao.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: Việc các sở, ngành, địa phương cùng quyết liệt vào cuộc, tháo gỡ khó khăn với chủ đầu tư theo chỉ đạo của tỉnh đã giúp cho đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong khi đến hết tháng 7, đơn vị mới giải ngân đạt 14,5/116 tỷ đồng (bằng 12,5%) thì đến hết tháng 8, đã đạt được 50,5% và đến ngày 30-9 là 73,4%. Trong số 6 dự án mà Chi cục thực hiện trong năm nay, có 1 dự án có nguồn vốn của trung ương chuyển về 24 tỷ đồng đã hoàn thành việc giải ngân vào cuối tháng 8 theo đúng Nghị quyết số 84 của Chính phủ.

Được biết, về cơ bản, việc giải ngân đối với các nguồn vốn trong nước hiện nay cơ bản không còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng với nguồn vốn ODA, do mức vốn được giao lớn hơn khối lượng dự án nên ngày 24-8, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư để đề nghị điều chỉnh giảm 280 tỷ đồng trong năm nay, đồng thời đề xuất bổ sung một số hạng mục vào dự án từ nguồn kinh phí này cho năm 2021.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ xác định là một trong ba “cỗ xe tam mã” (cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu dùng) nhằm thúc đẩy, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế đất nước năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Chính vì thế, mỗi địa phương, đơn vị cần thiết phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch mà Chính phủ đặt ra. Để làm được điều này, tỉnh cần thiết lấy đây là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua trong năm của cơ quan, đơn vị đó, nhất là đối với người đứng đầu. Chỉ khi các nguyên tắc và quy định được thực thi một cách nghiêm túc mới mong có được sự thay đổi thực chất và hiệu quả.