Có lẽ chưa khi nào, việc mua - bán hàng theo hình thức online lại nở rộ như bây giờ. Phục vụ hình thức mua bán này là dịch vụ giao hàng tận nơi theo địa chỉ người nhận. Không thể phủ nhận những lợi ích từ loại hình mua bán, vận chuyển này mang lại, nhưng cùng với đó là không ít rủi ro và những khó khăn trong việc quản lý của lực lượng chức năng.
Ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian qua diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi trên phạm vi cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Các đối tượng vi phạm thường đóng hàng hóa vi phạm trong bao, gói rồi giao các công ty chuyển phát nhanh để vận chuyển đến địa chỉ giao dịch. Thông thường là đến bến xe hoặc địa chỉ trung gian nào đó chứ không phải địa chỉ nhà riêng. Do vậy, việc xác định đối tượng thuê vận chuyển hàng hóa vi phạm và người nhận hàng là rất khó khăn. Vì thế, cơ quan chức năng cũng chỉ có thể ra quyết định xử phạt tịch thu hàng hóa, chứ không thể xử lý được người vi phạm.
Trong số các trường hợp bị lực lượng QLTT và cơ quan công an phối hợp kiểm tra, xử lý liên quan đến vận chuyển hàng hóa thuê qua một công ty trung gian, có thể kể ra đây 2 vụ việc điển hình, cho thấy sự phức tạp, tinh vi của các đối tượng. Vụ thứ nhất xảy ra trên địa bàn T.P Sông Công cuối tháng 8 vừa qua. Ngoài 46 chủng loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất (máy tính, điện thoại Iphone 12, nước hoa, thực phẩm, thuốc lá điếu...) là hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng chức năng còn phát hiện 2 chủng loại hàng hóa thuộc hàng cấm, gồm 1 vật giống súng RULO do nước ngoài sản xuất và bình khí. Vụ thứ hai xảy ra trước đó 2 tháng tại địa bàn huyện Võ Nhai.
Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phương tiện đối với xe ô tô nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm, lái xe đã không chấp hành lệnh dừng xe mà bỏ chạy sang đất Lạng Sơn. Thậm chí theo lời khai của lái xe, đối tượng này sẵn sàng chống trả nếu có cơ hội. Nếu nhìn bề ngoài thì ít ai nghĩ đó là xe vận chuyển hàng hóa, bởi đó là xe Limousine chuyên chở khách, nhưng đã được tháo bớt ghế và dán giấy đen toàn bộ xe…
Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Đội trưởng phụ trách Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh thông tin: Chiêu thức mà các đối tượng thường sử dụng là chia tách hàng hóa làm nhiều gói khác nhau nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý 8 vụ vi phạm (tăng 4 lần so với cả năm 2019), với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 76 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy hơn 286 triệu đồng. Hành vi vi phạm tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả và hàng không rõ nguồn gốc, với các mặt hàng chủ yếu là đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, linh phụ kiện điện tử… Tuy số vụ bị xử lý tăng đáng kể so với trước nhưng theo lực lượng chức năng, thì đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi hiện việc vận chuyển hàng hóa qua các khâu trung gian như công ty chuyển phát nhanh, bưu điện, xe khách, xe đi chung… ngày càng phổ biến.
Cũng theo ông Nguyễn Tất Thắng, có nhiều nguyên nhân khiến việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là lực lượng chức năng mỏng. Đơn cử như Đội QLTT số 3 chỉ có 12 kiểm soát viên, trong đó bộ phận tại địa bàn T.P Sông Công có 7 người, huyện Đại từ có 5 người, trong khi địa bàn quản lý rộng, với 40 xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, quy định pháp luật hiện hành còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ và chưa đủ mạnh để xử lý triệt để. Ví dụ như chưa có quy định trách nhiệm của bên nhận vận chuyển hàng hóa như mô hình giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm, vận chuyển bưu chính… khiến khi phát hiện không thể xử phạt hành chính được.
Trước thực tế này, rất cần sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chế tài nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, đảm bảo hành lang cơ sở pháp lý đủ mạnh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan và chính sách tài chính, kinh phí đảm bảo đáp ứng tốt cho công tác nhằm nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong giai đoạn hiện nay.