Thái Nguyên được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du và miền núi với Đồng bằng Bắc Bộ. Phát huy lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và với những cơ chế, chính sách phù hợp, Thái Nguyên đã và đang có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Cùng với đó, liên kết vùng cũng bước đầu hình thành, là một trong những động lực để tỉnh vươn lên phát triển nhanh, bền vững.
Hạt nhân vùng trung du và miền núi phía Bắc
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Thái Nguyên cần căn cứ vào những lợi thế, tiềm năng để tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh, đồng thời có tác động lan tỏa đối với toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ…”. |
Vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, chiếm 28,8% diện tích cả nước, với dân số gần 12 triệu người, được Đảng và Nhà nước nhận định là vùng có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh quốc gia.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tỉnh ta đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 2004-2018 đạt 12,8%/năm; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hàng năm đều vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao và của tỉnh đề ra.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân 16,3%/năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tăng 13,1%/năm; thu ngân sách Nhà nước trong cân đối tăng 16,3%/năm… Với những kết quả này, Thái Nguyên trở thành hạt nhân của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, thuộc nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thu ngân sách.
Triển lãm các sản phẩm nông - lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) phối hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc xây dựng vùng nguyên liệu được tổ chức tại tỉnh Lào Cai (tháng 8-2018).
Được xác định là một trong những “cực” tăng trưởng của vùng trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên đã từng bước tạo nên sự liên kết với các tỉnh trong khu vực về kinh tế - xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật… Trong đó, kết nối giao thông tạo sự đột phá và đóng vai trò rất quan trọng. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chính thức thông xe từ năm 2014. Cùng với đó, nhiều tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh được cải tạo, nâng cấp (gồm Quốc lộ 3, 3C, 1B, 37).
Hiện nay, đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội kết nối giữa tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, từ đó sẽ giúp cho việc giao thương hàng hóa giữa các địa phương thuận lợi hơn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên - địa phương có đường vành đai V đi qua cho rằng: Điều kiện vị trí và hạ tầng giao thông thuận lợi là một trong những yếu tố giúp tỉnh Thái Nguyên nói chung, T.X Phổ Yên nói riêng thu hút được nhiều dự án đầu tư. Ví dụ điển hình nhất là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên đặt tại Khu công nghiệp Yên Bình...
Đô thị vệ tinh quan trọng của Thủ đô Hà Nội
Tháng 5-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Với tốc độ phát triển và diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng, Thái Nguyên hội tụ đầy đủ yếu tố của một đô thị năng động, hiện đại, có điều kiện trở thành đô thị vệ tinh quan trọng của Thủ đô Hà Nội.
Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó mở rộng thêm 3 tỉnh là Thái Nguyên, Phú Thọ và Bắc Giang. Trong phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030, việc mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm 4 tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang để trở thành vùng Đồng bằng và trung du Bắc Bộ cũng được đa số các bộ, ngành, địa phương tán thành. Cả 4 tỉnh đều có điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi để tăng tốc phát triển, có sự gắn kết hữu cơ, hai chiều với Thủ đô Hà Nội và các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, Hòa Bình - Hà Nội gắn kết về thị trường du lịch - dịch vụ, bất động sản nghỉ dưỡng, vật liệu xây dựng; Thái Nguyên - Phú Thọ - Hà Nội và các tỉnh gắn kết về sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu hàng hóa...
Để phấn đấu trở thành một trong những đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, dịch vụ - thương mại, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp nông sản. Đồng thời đẩy mạnh liên kết với Hà Nội và các tỉnh trong quy hoạch vùng Thủ đô để phát triển du lịch, đào tạo và cung ứng nguồn lực lao động có trình độ tay nghề cao…
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng nhấn mạnh mục tiêu đẩy mạnh liên kết vùng để tạo động lực cho sự phát triển. Cụ thể là phát triển dịch vụ hỗ trợ cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp (như dịch vụ khoa học - công nghệ, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng và các dịch vụ nông nghiệp khác) trong mối liên kết với các tỉnh, thành phố, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông vận tải để tạo sự liên kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các cụm công nghiệp chế biến, tạo sự kết nối giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm...