Những năm gần đây, chăn nuôi Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng cũng có một thực tế là sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, khâu giết mổ, chế biến sản phẩm còn nhiều yếu kém, bất cập. Do vậy, để hướng tới xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, cần thu hút doanh nghiệp, đầu tư công nghệ, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa khâu chế biến.
Bộc lộ nhiều bất cập
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 (theo Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ), chăn nuôi nước nhà đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Giai đoạn 2008-2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6 lần... Một số sản phẩm như thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm… đã được xuất khẩu, khẳng định thương hiệu chăn nuôi Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi nước ta còn rất nhiều bất cập. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, tốc độ phát triển ngành chăn nuôi nhanh nhưng mất cân đối; thịt lợn chiếm hơn 70% cơ cấu thực thẩm, đã và đang tạo áp lực rất lớn lên chỉ số giá tiêu dùng.
Mặt khác, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, công tác quản trị chưa hiệu quả làm giảm năng suất và tăng giá thành sản phẩm; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo liên kết chuỗi còn chiếm tỷ trọng thấp…
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, 3 khâu quan trọng trong chăn nuôi gồm sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì Việt Nam mới làm tốt được khâu sản xuất. Khâu chế biến đang rất manh mún, chủ yếu là các cơ sở giết mổ thủ công, các nhà máy chế biến hiện đại rất ít. Tổ chức thị trường thì vẫn chợ nông thôn là chính, các thiết chế thương mại lớn, thực phẩm có vào nhưng chưa chiếm vai trò quan trọng… Thực tế cũng cho thấy, mỗi năm, trong số hơn 40 tỷ USD nông sản Việt Nam xuất khẩu tới 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, sản phẩm của lĩnh vực chăn nuôi chiếm một phần rất nhỏ.
Ở góc độ địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, hiện nay, ngành chăn nuôi Hà Nội mới chỉ sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố. Phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ (chiếm 60%), kéo theo nhiều hệ lụy ô nhiễm môi trường.
Trong khi quy hoạch đất đai cho chăn nuôi còn nhiều bất cập, giá thuê đất cao, chưa thu hút được các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào ngành này cũng như việc xây dựng các cơ sở giết mổ với công nghệ hiện đại. Các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết còn chưa nhiều, chưa có nhiều cơ sở chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi.
Tập trung vào chế biến sâu
Mới đây, tại hội nghị về chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, các chuyên gia cho rằng, trên cơ sở chiến lược chung cho cả nước, từng vùng sẽ đặt mục tiêu riêng. Ví dụ, không đặt nặng tăng trưởng về số lượng ở một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nghệ An… mà sẽ tập trung xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xử lý chăn nuôi nhỏ lẻ, thúc đẩy liên kết trong chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), để xây dựng ngành chăn nuôi thành một ngành sản xuất chính của nông nghiệp Việt Nam, có sản lượng lớn, giá trị gia tăng cao thì không chỉ cần làm tốt khâu sản xuất mà phải chú trọng đến chế biến bởi sản phẩm xuất khẩu mới mang lại giá trị cao. Cùng với đó là tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp phải phát triển marketing, xúc tiến bán hàng.
Mặt khác, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam muốn vào được thị trường các nước bắt buộc phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi càng là nước phát triển, hàng rào kiểm soát về vấn đề này càng cao.
Những năm gần đây, ngành chế biến nông sản của Việt Nam đã có bước chuyển mới, hơn 60 nhà máy sản xuất hiện đại với vốn đầu tư 2,5 tỷ USD đã đi vào hoạt động. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đang tập trung đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để mở rộng thị trường bằng sản phẩm sạch với giá thành cạnh tranh.
Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, các địa phương phải có chính sách về quỹ đất để phát triển chăn nuôi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến.
Cũng về vấn đề này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội đã định hướng tái cấu trúc ngành chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh giai đoạn 2021 - định hướng đến 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm với các đối tượng nuôi chủ lực.
Đồng thời, Hà Nội đã triển khai các chương trình về phát triển công nghệ cao, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi; xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp để phát triển chăn nuôi trâu bò; thúc đẩy liên kết trong chăn nuôi.
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, nếu không đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến, không những chăn nuôi Việt Nam không tạo được nhiều sản phẩm hướng tới xuất khẩu mà còn tụt hậu so với thế giới.