Chú trọng phát triển kinh tế tập thể

14:43, 04/11/2020

Xác định kinh tế tập thể (KTTT) có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, thời gian qua, T.X Phổ Yên đã tạo điều kiện cho các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) tiếp cận các chính sách, mở rộng quy mô sản xuất. Thông qua các mô hình KTTT đã từng bước hình thành chuỗi liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, thị trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Hiện nay, Thị xã có 64 HTX và 10 THT hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, môi trường, thu hút trên 5.000 thành viên và người lao động. Hàng năm, người đứng đầu các HTX, THT đều được tham gia các lớp tập huấn nâng cao công tác quản trị, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn…

Việc hình thành các mô hình KTTT đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đồng hành cũng với KTTT, giai đoạn 2016-2020, T.X Phổ Yên cũng đã hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng cho một số HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đồng thời hỗ trợ xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu...

Một trong những HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn phải kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Đông Cao. Từ 9 thành viên trong những ngày đầu thành lập (năm 2017), đến nay, HTX đã thu hút 37 thành viên tham gia trồng hơn 6ha rau an toàn các loại. Từ đầu năm đến nay, HTX đã cung ứng ra thị trường gần 100 tấn rau, doanh thu đạt trên 600 triệu đồng. HTX cũng đang giải quyết việc làm cho khoảng 25 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng. Bà Đinh Thị Thu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao cho biết: Năm 2020, từ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đơn vị đã được hỗ trợ hơn 900 triệu đồng để làm nhà lưới, mua phân bón và túi đựng có nhãn mác...

Là điểm sáng trong phát triển KTTT, xã Phúc Thuận là địa phương có nhiều HTX và THT hoạt động hiệu quả trên địa bàn với 2 HTX và 11 tổ liên kết trồng chè và cây ăn quả. Theo ông Nguyễn Viết Hữu, thành viên HTX trồng cây ăn quả Phúc Hưng cho biết: Tham gia HTX, ngoài việc được tiếp cận phương pháp sản xuất tập trung, an toàn thì sản phẩm nhãn của gia đình còn được bán với giá cao hơn ngoài thị trường 5.000-10.000 đồng/kg. Ngoài các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình hiệu quả tại tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, các thành viên trong HTX cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống sâu bệnh và thu hoạch để từ đó áp dụng vào thực tế của gia đình.

Thực tế hiện nay cho thấy, khó khăn chủ yếu đối với các mô hình KTTT là thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất, năng lực quản lý, điều hành của một số HTX, THT còn hạn chế; chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn nhiều bất cập, nhiều người dân vẫn còn tâm lý vào HTX để được Nhà nước hỗ trợ. Đặc biệt, thực hiện xây dựng nông thôn mới, có những HTX thành lập chỉ mang tính chất hình thức nên hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa thực sự khuyến khích các thành viên tham gia góp vốn vào HTX. Để phát huy hiệu quả, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi HTX và THT cần chủ động đổi mới, nắm bắt xu thế thị trường để có định hướng sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi thành viên. Cùng với đó, địa phương cũng cần bố trí quỹ đất để các HTX, THT được thuê đất mở rộng sản xuất, xây dựng trụ sở và kho bãi bảo quản sản phẩm; tạo điều kiện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển…