Mặc dù, dịch COVID-19 ở nước ta đã được kiểm soát thế nhưng thị trường tiêu thụ trong nước vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn khiến cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh này, các DN đã đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Là một trong những DN bị chịu ảnh hưởng mạnh mẽ trong đợt dịch vừa qua, ông Nguyễn Xuân Hậu, Giám đốc DN tư nhân Hậu Thủy (ở huyện Định Hóa) cho biết: Công ty của chúng tôi chuyên cung cấp gạch không nung cho các công trình xây dựng Nhà nước trên địa bàn huyện Định Hóa. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều tháng qua, sản lượng gạch tiêu thụ của Công ty sụt giảm tới 50% so với cùng kỳ năm. Để tháo gỡ khó khăn này, Công ty duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng, cho người lao động làm việc luân phiên, đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sang các địa phương lân cận. Kết quả, trong khoảng 2 tháng gần đây, sản lượng gạch tiêu thụ của Công ty đã có sự tăng trưởng trở lại từ 20-40%.
Tương tự đối với Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên (T.P Thái Nguyên), ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Công ty chia sẻ: Những tháng đầu năm do gặp khó khăn về thị trường nên sản lượng tiêu thụ, các sản phẩm của Công ty đều sụt giảm từ 30-50% so với cùng kỳ. Để hoàn thành 70% kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong năm nay, hiện tại, Công ty vừa duy trì sản xuất các sản phẩm cũ đồng thời phát triển thêm ngành nghề chế tạo máy sản xuất gạch không nung, đầu tư thêm chi nhánh sản xuất vật liệu xây dựng tại các tỉnh lân cận...
Mặc dù dịch COVID-19 có những tác động tiêu cực đến hoạt động của các DN, tuy nhiên, cũng có những DN lại biến “nguy thành cơ”, nắm bắt được cơ hội để duy trì ổn định sản xuất. Tiêu biểu như Công ty CP cán thép Thái Trung (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). Tính đến hết tháng 10-2020, Công ty đã sản xuất và tiêu thụ được 320,1 nghìn tấn thép, bằng 84,2% kế hoạch năm, tương đương doanh thu 3.426 tỷ đồng.
Ông Phạm Đình Hạnh, Phó Giám đốc Phụ trách sản xuất của Công ty giải thích: Dịch COVID-19 khiến cho thép Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta bị chững lại, từ đó mở ra thị phần tiêu thụ thép trong nước cho các DN. Để nắm bắt được cơ hội này, Công ty một mặt vừa chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, đồng thời cũng tăng cường triển khai các giải pháp thực hành tiết kiệm để giảm giá thành thành phẩm và tăng sức cạnh tranh về giá bán trên thị trường. Hiện tại, Công ty cũng đã nâng công suất nhà máy lên từ 35-40 nghìn tấn thép/tháng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường tiêu thụ vào dịp cuối năm cũng như góp phần hoàn thành mục tiêu sản xuất 380 nghìn tấn thép trong năm 2020.
Tìm hiểu thêm một số DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thời điểm này các DN cũng đã dần phục hồi sau dịch COVID-19. Hiện tại, nhiều DN cũng đang gấp rút hoàn thành các dự án đầu tư nhằm mở rộng hoạt động sản xuất vào dịp cuối năm. Ví như Công ty TNHH Samju Vina (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) - chuyên sản xuất miếng dán màn hình điện thoại đã chính thức đưa vào 2 dây chuyền sản xuất miếng dán màn hình điện thoại, nâng tổng công suất của nhà máy lên 35 triệu sản phẩm/năm. Từ đó, Công ty có thể ký kết thêm các đơn hàng có quy mô lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất vào dịp cuối năm nay. Hay như Công ty TNHH KH Heat Technology Thái Nguyên, bước vào quý IV/2020, số lượng đơn hàng gia công cơ khí, tôi cao tần trục Cam cho các hãng xem máy Yamaha, Honda... cũng tăng gấp đôi so với quý trước (tương đương 300.000 sản phẩm). Hiện tại, đơn vị này đang cho người lao động tăng ca để đáp ứng đủ số lượng các đơn hàng; đồng thời đưa vào dây chuyền sản xuất các sản phẩm cơ khí mới (trục máy cẩu, máy xúc, bánh nhông của xe máy điện). Dự kiến đến hết năm 2020, doanh thu của Công ty đạt 19 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm.
Ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát đã tạo điều kiện cho các DN phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên do thị trường tiêu thụ chưa hoàn toàn phục hồi nên trong 10 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ 645,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ và bằng 80,4% kế hoạch năm. Dự báo đến hết năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 783,6 nghìn tỷ đồng, tuy chỉ bằng 97,5% kế hoạch năm nhưng trong bối cảnh các DN gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì đây là một sự nỗ lực lớn. Để tiếp tục hỗ trợ cho các DN, từ nay đến cuối năm, ngành Công Thương sẽ đẩy nhanh việc triển khai thẩm định các đề án khuyến công địa phương để sớm hỗ trợ nguồn kinh phí cho DN đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ các DN tiếp cận các thông tin của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA); tổ chức đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN...