Đồng hành cùng sự phát triển của địa phương

18:20, 12/11/2020

Khẳng định vai trò tiên phong trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đồng hành cùng địa phương trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.  

Đến xã Vô Tranh, chúng tôi được giới thiệu đến gia đình anh Bùi Văn Chuẩn, xóm Liên Hồng 8,là một trong những hộ có kinh tế khá của xóm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Chuẩn chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn nhưng nhờ được vay vốn của Agribank Phú Lương, tôi đã mua phân bón và cải tạo đất, chuyển từ trồng chè trung du sang trồng chè giâm cành… Và gần đây nhất là vào năm 2018, tôi đã mạnh dạn vay tiếp 100 triệu đồng để cải tạo mở rộng diện tích trồng chè giâm cành. Hiện, gia đình tôi có  2000 m2. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi sản xuất và thu mua và xuất bán được hơn 10 tấn chè búp khô (tăng gấp đôi so với năm 2015). Lợi nhuận thu được, tôi đã trả hết cả vốn và lãi của ngân hàng, có điều kiện mua xe hơi, tu sửa nhà cửa… Có thể nói, cơ nghiệp mà tôi có được như ngày hôm nay xuất phát từ nguồn vốn của vay Agribank huyện Phú Lương.

Không riêng hộ anh Bùi Văn Chuẩn, các chương trình vay vốn của Agribank huyện Phú Lương cũng đã giúp nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và đóng góp xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 9-11-2020, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện đạt 1.141 tỷ đồng với hơn 7,1 nghìn khách hàng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 80%.

Được biết, nhằm đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, thời gian qua, Agribank Phú Lương đã đẩy mạnh các chương trình cho vay, trong đó ưu tiên bố trí vốn chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn. Đơn vị chú trọng duy trì cho vay qua tổ thông qua tổ chức Hội Nông dân và Hội Phụ nữ tại các xã, thị trấn và tổ chức công đoàn cơ quan, trường học. Hiện, toàn huyện có 225 tổ vay vốn với 4.258 tổ viên, tổng dư nợ đạt 461 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Ngân hàng cũng triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động tại trung tâm các xã, qua đó giúp khách hàng giao dịch dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả các nguồn vốn vay, Ngân hàng cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền từ cấp huyện đến xã, thị trấn để bám sát định hướng phát triển của các địa phương, xây dựng hồ sơ kinh tế của từng xã. Qua đó nhằm nắm bắt nhu cầu đầu tư vốn của người dân để có giải pháp tập trung nguồn vốn cho vay đối với các lĩnh vực có lợi thế, giảm dần nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực đã bão hòa, phát triển kém… Không chỉ vậy, Ngân hàng còn thường xuyên phối hợp với Ban chỉ đạo đầu tư vốn Agribank phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của các xã và tổ trưởng tổ vay vốn để nắm bắt thông tin khách hàng trước khi cho vay và sau khi vay về: tư chất đạo đức, tư cách làm ăn, các điều kiện vay vốn, sử dụng vốn… Nhờ vậy, các khoản đầu tư vốn vay của Ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn; góp phần xử lý kịp thời các khoản vay có tiềm ẩn rủi ro, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Bà Nguyễn Hồng Huệ, Giám đốc Agribank Phú Lương cho biết: Trong thời gian tới, Agribank Phú Lương sẽ tiếp tục đầu tư tín dụng có chọn lọc để đảm bảo vốn đầu tư an toàn, đạt hiệu quả cao, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; củng cố và phát triển vốn vay thông qua các tổ vay vốn và tiết kiệm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; duy trì phân tích thực trạng tín dụng để kịp thời xử lý nợ tiềm ẩn, nợ xấu…