Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng măng lục trúc

08:51, 03/11/2020

Cùng cán bộ Hội Nông dân thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ), chúng tôi đến thăm mô hình trồng măng tre lục trúc của gia đình anh Man Văn Tiến, ở tổ dân phố 3, để “mắt thấy tai nghe” về loại cây trồng này. Được biết, tuy mới mới xuất hiện cách đây vài năm trên đồng đất Đồng Hỷ, nhưng mô hình bước đầu đã cho thấy những hiệu quả tích cực, mang lại nguồn thu tương đối lớn cho người nông dân.

Sau những chuyến đi chơi cùng bạn bè qua vùng đất Tân Yên (Bắc Giang) - nơi cây măng lục trúc được người dân trồng rất nhiều và đã xây dựng được thương hiệu, anh Man Văn Tiến cảm thấy thích thú trước vị giòn, ngọt mát của loại măng này. Năm 2017, anh Tiến mua giống về trồng thử nghiệm trên mảnh đất rộng 0,5ha của gia đình. Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cây chết nhiều, tiền giống cũng “trôi sông”, nhưng anh Tiến không nản chí. Mày mò trên mạng internet rồi “khăn gói quả mướp” đến học hỏi những người nhiều kinh nghiệm tại huyện Tân Yên, dần dà anh Tiến đúc rút được nhiều kiến thức bổ ích.

Theo anh Tiến, loại măng lục trúc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và được trồng rộng rãi trên đảo Đài Loan nên thường được gọi là tre Đài Loan. Khi măng mới nhú lên khỏi mặt đất thì phải đào ngay, phần dưới còn 6 mắt tiếp tục phát triển thành 6 cây măng khác nên được gọi là măng lục trúc. Măng có thể chế biến thành nhiều món ăn như nộm, luộc, xào hay lẩu, nước luộc ngọt thanh, không bị đắng, he như loại măng khác.

Thông thường, sau 1 năm trồng, cây sẽ cho thu hoạch, thời gian kéo dài từ tháng 2 đến đến tháng 10 Âm lịch. Loại cây này không mất nhiều công chăm sóc nhưng phải đảm bảo đúng kỹ thuật bón phân, tỉa cây theo từng giai đoạn, thời điểm thì cây mới sinh trưởng ổn định. Hiện nay, anh Man Văn Tiến đã có 200 gốc măng lục trúc cho thu hoạch, mỗi ngày hái được từ 10-20kg măng. Số măng này chủ yếu bán cho thị trường địa phương và một số nhà hàng. Với giá bán dao động từ 50.000-80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, bình quân mỗi tháng anh thu lãi được hơn 10 triệu đồng.

Nhận thấy tiềm năng phát triển, anh Tiến mới đầu tư thêm khoảng 1.000 gốc măng lục trúc nữa tại mảnh đất rộng 1ha của gia đình, dự kiến sang năm 2021 sẽ cho thu hoạch.
Anh Tiến cho biết: Trong thời gian tới, các cây giống do anh tự chiết có thể xuất bán ra thị trường, cũng cấp cho bà con. Tôi cũng đang lên kế hoạch đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và mã vạch để cung cấp hàng cho các siêu thị cũng như cửa hàng bán nông sản sạch. Có như vậy, sản phẩm mới có “đầu ra” bền vững và tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Trại Cau cho rằng, mô hình măng lục trúc phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Hiện ở địa phương chỉ có duy nhất anh Man Văn Tiến trồng loại cây này. Còn ở xã Cây Thị, Tân Lợi cũng mới có 2 gia đình trồng với tổng diện tích khoảng 4ha. Hội Nông dân thị trấn mong muốn, mô hình trồng măng lục trúc sẽ được nhân rộng để tiến tới thành lập tổ hợp tác, qua đó giúp người dân nâng cao mức sống và làm giầu chính đáng.