Hỗ trợ sản xuất giúp giảm nghèo bền vững

08:01, 14/11/2020

Phủ Lý (Phú Lương) là xã miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ và cận nghèo còn cao... Trong những năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình 135, nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số của xã đã được hỗ trợ máy móc, phân bón, cây, con giống, nhất là việc hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản. Qua đó, đã góp phần tạo sinh kế, giúp các hộ dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.

Xã Phủ Lý có 889 hộ dân với trên 3.500 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Tày, Sán Chí, Nùng, Dao chiếm gần 85%. Hiện nay, xã còn 10% hộ nghèo, 15% hộ cận cận nghèo. Mỗi năm, xã Phủ Lý được hỗ trợ sản xuất trung bình khoảng 300 triệu đồng theo Chương trình 135. Nhờ đó, nhiều mô hình giảm nghèo đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người nghèo nâng cao thu nhập. Điển hình là mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ năm 2018, đến nay, có 47 hộ dân đã được hỗ trợ với tổng số tiền 970 triệu đồng (mỗi hộ được hỗ trợ 1 con trâu hoặc bò sinh sản). Trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 648 triệu đồng còn lại do nhân dân đối ứng.

Ông Hoàng Thanh Đoá, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết: Trước đây, Chương trình 135 hỗ trợ phấn bón, máy móc phục vụ cho các hộ nghèo trong xã. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa thật sự thiết thực. Trong khi với nhiều điều kiện  thuận lợi để phát triển chăn nuôi như có nhiều bãi chăn thả, có nguồn thức ăn dồi dào, việc chuyển toàn bộ nguồn vốn sang hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản là rất phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân trong xã. Qua đó đã mở ra hướng đi mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo. Sau 3 năm, đến nay, tổng đàn trâu, bò sau khi được hỗ trợ đã tăng lên 63 con và đã có 21/47 hộ thoát nghèo.

Gia đình anh La Quang Giảng, dân tộc Tày ở xóm Na Dau là một trong 16 hộ nghèo của xã được hỗ trợ bò sinh sản sản năm 2018. Được nhà nước hỗ trợ 13,1 triệu đồng, anh đã đối ứng 4,9 triệu đồng để mua bò. Anh Giảng cho biết: Gia đình có 3 sào ruộng bỏ không do khó khăn về nguồn nước tưới. Từ khi được hỗ trợ kinh phí mua bò giống, tôi đã tận dụng để trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Từ nuôi bò, tôi tận dụng nguồn phân chuồng để phục vụ trồng trọt. Sau gần 2 năm, gia đình đã có bê bán với giá 15 triệu đồng, hiện nay bò đang chuẩn bị sinh lứa thứ 2.

Tương tự, ông Phạm Văn Thanh, dân tộc Sán Chí ở xóm Tân Chính được hỗ trợ trâu sinh sản đầu năm 2020. Ông Thanh nói: Hai vợ chồng tôi đều đã già, trong khi người con trai cả là lao động chính mấy năm trước bị tai nạn giao thông phải nằm liệt giường vì thế cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2015 đến nay, gia đình là hộ nghèo. Đầu năm 2020, gia đình tôi được hỗ trợ mua trâu giống và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi rất phấn khởi. Hy vọng trâu mẹ khỏe mạnh nhanh chóng sinh nghé để chúng tôi có thêm thu nhập.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, giai đoạn 2015-2020, xã Phủ Lý có 268 hộ nghèo được hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng từ Chương trình 135. Nhờ đó đã có 112 hộ thoát nghèo. Ông Hoàng Thanh Đoá, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết thêm: Hiện nay xã đang tuyên truyền, vận động các hộ dân được hỗ trợ trâu, bò thành lập hợp tác xã chăn nuôi nhằm giúp bà con có điều kiện giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. Đồng thời, giúp người chăn nuôi có đầu ra ổn định hơn.