Khu công nghiệp (KCN) Trung Thành, tức khu C - KCN Nam Phổ Yên, được phê duyệt quy hoạch chi tiết và triển khai từ năm 2007, với diện tích 48,5ha, do Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng Lệ Trạch (Đài Loan) làm chủ đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay, việc xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư thứ cấp tại KCN này còn chậm; việc hiện thực hóa quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) có nhiều bất cập, tồn tại; xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường khiến người dân địa phương bức xúc…
Được biết, đối với công tác GPMB thực hiện Dự án KCN Trung Thành, phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân đã được UBND tỉnh phê duyệt từ đầu năm 2008 với số tiền trên 87 tỷ đồng, do chủ đầu tư hạ tầng ứng trước và được khấu trừ vào tiền thuê đất. Nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã đề nghị và được tỉnh chấp thuận cho trả tiền thuê đất (8,2 tỷ đồng), ngân sách chi trả bồi thường GPMB và tái định cư. Vì sự vào cuộc tích cực của địa phương và cơ bản người dân đồng thuận cao nên việc GPMB 43ha/48,5ha (phần lớn là đất nông nghiệp) khá nhanh chóng. Những nguời dân bị ảnh hưởng được cam kết sẽ có việc làm ngay tại KCN.
Đối với số diện tích còn lại, chủ yếu là đất ở và đất liền kề của trên 50 hộ dân, công tác GPMB gặp vướng mắc vì một số hộ thiếu đồng thuận. Do yếu tố này cộng với những khó khăn tài chính nên chủ đầu tư và cấp, ngành liên quan đã đề nghị giảm diện tích KCN, đưa ra ngoài quy hoạch khoảng 4ha. Vì vậy, cuối năm 2013, UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Trung Thành từ 48,5ha xuống còn xấp xỉ 44,5ha. Nhưng trong diện tích 4ha được điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch thì phần lớn các hộ đã được kê khai tài sản và phê duyệt phương án bồi thường, đã có quyết định thu hồi đất, một số hộ trong đó đã nhận tiền bồi thường (tổng số trên 1 tỷ đồng) và chuyển đến khu tái định cư. Đó là nguyên nhân chính khiến việc giải quyết những tồn tại ở đây kéo dài và hiện vẫn chưa thể dứt điểm.
Sau khi thống nhất, T.X Phổ Yên đã cùng với ngành chuyên môn tham mưu cho UBND chỉ đạo giải quyết theo hướng: Đối với 1,2ha đất nông nghiệp được đưa ra ngoài KCN, đã GPMB thì giao cho chính quyền địa phương quản lý; diện tích đất thổ cư và đất trồng cây lâu năm cùng thửa đã chi trả xong và trả một phần tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân thì Thị xã sẽ vận động các hộ trả lại tiền vào ngân sách, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo hủy quyết định thu hồi đất, điều chỉnh phương án bồi thường; trường hợp các hộ không đồng ý trả lại tiền thì địa phương sẽ tiếp tục GPMB theo quy định.
Theo ông Hà Ngọc Hòa, Trưởng ban Bồi thường, GPMB T.X Phổ Yên thì những hộ đã nhận tiền đều đồng ý và trả lại nhưng việc tiến hành quy trình hủy quyết định thu hồi đất và điều chỉnh phương án bồi thường đối với trường hợp này gặp nhiều vướng mắc, chưa có tiền lệ và quy định của pháp luật hiện nay khác thời điểm đó. Một số hộ đã chuyển đến khu tái định cư đề nghị được hỗ trợ những tài sản đã kê khai, phê duyệt phương án nhưng chưa chi trả, vì cho rằng các tài sản đó bị hư hỏng, thất thoát do không sử dụng từ lâu. Ngoài ra, việc xác định nguồn gốc và áp quy định hỗ trợ đối với các hộ nhận thầu khoán khu vực đầm Di (nằm trong KCN) cũng gặp khó khăn và chưa có nguồn chi trả… Tình trạng này kéo dài đã ảnh hưởng lớn đền quyền sử dụng đất của người dân trong khu vực, các tuyến đường dân sinh nằm trong quy hoạch cũng không được đầu tư.
Về hiện trạng KCN Trung Thành, đến nay sau hơn 10 năm triển khai, hạ tầng tại đây vẫn thiếu đồng bộ, nhất là giao thông, điện, đồng thời chưa có khu xử lý nước thải tập trung. KCN này mới chỉ thu hút được vài dự án đầu tư thứ cấp quy mô nhỏ, trong đó có 2 nhà máy sản xuất ván ép nhiều lần bị người dân bức xúc, phản ánh vì gây ô nhiễm môi trường.
Điều đáng nói là hàng chục héc ta vốn là đất 2 vụ lúa đã GPMB nhưng bị bỏ hoang nhiều năm qua (người dân chỉ tận dụng trồng cấy một phần), có thời điểm trở thành nơi tụ tập của người nghiện ma túy và tập kết rác thải. Theo ông Đàm Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Thuận Thành, người dân địa phương đã rất nhiều lần phản ánh, kiến nghị giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tình trạng lãng phí đất đai và ô nhiễm môi trường tại đây. Đến nay, diện tích đất nông nghiệp được đưa ra khỏi KCN nhưng đã GPMB vẫn chưa được giao lại cho địa phương khiến công tác quản lý khó khăn…
Việc triển khai Dự án này gặp vướng mắc, tiến độ chậm, lãng phí mặt bằng sạch là điều rất đáng tiếc, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của tỉnh. Quyền lợi của người dân trong khu vực cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần tích cực tham mưu, giải quyết vướng mắc, đốc thúc nhà đầu tư hạ tầng triển khai Dự án…