Bước chuyển mạnh mẽ

08:54, 26/12/2020

Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng là công nghệ số đã tạo ra xu hướng kết hợp giữa sản xuất thực và mô hình sản xuất ảo nhờ việc số hóa toàn bộ quy trình sản xuất thực thành dữ liệu để quản lý bằng máy tính, xu hướng này đang tạo nên bước chuyển mh mẽ trong ngành may công nghiệp.

Các công nghệ chủ yếu của cuộc cách mạng này là Internet vạn vật (Internet of things – IoT), nhận dạng vô tuyến (RFID), cảm biến (sensor), sản xuất bồi đắp (additive manufacturing), điện toán đám mây (cloud computing), công nghệ robot kết nối, phần mềm tương tác qua mạng, dữ liệu lớn (big data). Các giải pháp trên đã tạo ra nhiều đổi mới trong quá trình sản xuất may mặc, đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất trong các dây chuyền may.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm may mặc, trong đó nhiều công ty đang cung ứng sản phẩm ra nước ngoài. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đơn hàng, việc áp dụng công nghệ số, sản xuất tinh gọn vào các dây chuyền may đang được các DN tích cực thực hiện. Tại một số đơn vị như: Công ty cổ phần (CP) may Thành Hưng, Công ty CP Đầu tư và phát triển TDT, Chi nhánh Công ty CP may Chiến Thắng hiện đã đưa vào dây chuyền sản xuất các máy móc hiện đại với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT cho biết: Tính riêng năm 2018, Công ty đầu tư hơn 15 tỷ đồng mua máy trải vải tự động, máy lập trình, máy nhồi bông. Các máy móc này đã góp phần thay thế nhiều nhân công lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cụ thể như máy nhồi bông giúp thay thế hàng chục công nhân và nâng công suất lên 600 sản phẩm/ngày (tăng gấp 5-6 lần), còn máy thổi lông vũ giảm được 6 người/ca và cho công suất tăng gấp 2-3 lần (từ 200-300 sản phẩm/ngày).

Nhờ việc sử dụng máy trần bông áo Jaket lập trình tự động, Công ty CP May xuất khẩu Phú Lương đã nâng cao được năng suất lao động lên nhiều lần so với may thủ công truyền thống.

Đối với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - Tốp 10 DN may hàng đầu trong nước. Năm vừa qua mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của Công ty đều hoàn thành. Trong đó, doanh thu của Công ty ước đạt 4.915 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch đề ra. Sở dĩ có được kết quả này là do TNG đã không ngừng đổi mới, áp dụng triệt để máy móc sản xuất theo hướng tự động và bán tự động.

Đáng nói nhất là năm vừa qua, Công ty đã đầu tư 3 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế 3 lớp, 5 lớp (KN95) theo hình thức tự động hóa tại Chi nhánh sản xuất bông ở Khu công nghiệp Sông Công I, sản phẩm khẩu trang y tế 3 lớp do Công ty sản xuất đã được Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cấp Giấy chứng nhận thử nghiệm theo tiêu chuẩn TCVN 8389-1:2010. Đối với các sản phẩm may xuất khẩu truyền thống, nhiều năm qua, Công ty đầu tư hàng trăm tỷ cho các dây chuyền sản xuất hiện đại như hệ thống may ép nhiệt tự động của châu Âu, TNG đầu tư để sản xuất dòng sản phẩm áo sơ-mi 4.0 đầu tiên trong cả nước; phần mềm và hệ thống điện tử quản trị DN (kinh phí trên 70 tỷ đồng) giúp cho việc quản lý các khâu từ giám sát người lao động đến các vấn đề tài chính được liên tục, đồng bộ và chính xác. Hiện nay, TNG đang cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật đi nghiên cứu, học tập ứng dụng rô-bốt vào sản xuất, từng bước đầu tư các thiết bị may tự động đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ 4.0.

Còn tại Chi nhánh Công ty CP may Chiến Thắng (T.P Thái Nguyên),  khoảng 2 năm trở lại đây, đơn vị đã đầu tư hàng chục máy móc, thiết bị chuyên dụng phục vụ sản xuất may như: Máy trần bông, máy thổi lông vũ, máy lập trình, thùa đính, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Việc đưa các máy móc vào sản xuất đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc nâng công suất hoạt động của đơn vị. Chị Vũ Thị Hà, người lao động làm việc tại đây chia sẻ: Kể từ khi có thêm máy trần bông thì chỉ cần có 1-2 người đứng vận hành thay thế cho hàng chục công nhân so với trước. Không những vậy, sản phẩm tăng lên gấp 5-6 lần so với gia công (600 sản phẩm/ngày); môi trường làm việc không bị bụi như trước nên công nhân bớt đi sự mệt nhọc.

Mặc dù là xu hướng tất yếu trong bước chuyển đổi công nghệ, nhưng việc ứng dụng công nghệ 4.0 đối với ngành may cũng còn nhiều thách thức. Cụ thể như đối với các sản phẩm thời trang được thiết kế nhiều lớp, có kiểu dáng và kết cấu phức tạp, thay đổi thường xuyên theo thị trường, sản xuất bằng vật liệu không kết dính thì việc ứng dụng công nghệ 4.0 rất khó khăn hoặc chi phí đầu tư rất lớn nên không phải DN nào cũng đủ sức áp dụng. Một vấn đề khác nữa là việc kiểm soát an toàn lao động khi thực hiện ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.

 Các DN đã thiết kế, lắp đặt những chỉ dẫn khá cụ thể về các khu vực nguy hiểm trong quá trình lao động, yêu cầu người lao động phải học đầy đủ các quy tắc an toàn lao động tại DN. Tuy vậy, do chủ yếu sử dụng các cảnh báo thụ động, nên chưa tạo được sự chú ý cao đối với người lao động đến các nguyên tắc an toàn... Có thể thấy, nhờ nắm bắt nhanh xu hướng, có sự mạnh dạn trong đầu tư, các DN may trên địa bàn đã từng bước chuyển đổi công nghệ sản xuất, qua đó cải thiện rõ rệt năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các đơn hàng xuất khẩu, đồng thời nắm bắt nhanh cơ hội từ thị trường tiềm năng của các nước trên thế giới.