Cần gỡ “nút thắt” để thu hút đầu tư

06:29, 12/12/2020

Do vị trí nằm xa trung tâm tỉnh lỵ nên hiện nay phần lớn các cụm công nghiệp (CCN) ở các huyện miền núi, vùng cao trong tỉnh vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT). Khó khăn này cộng với vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ đề nghị thành lập CCN liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng khiến cho tình hình thu hút đầu tư xây dựng HTKT các CCN càng trở nên khó khăn.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 35 CCN được quy hoạch với tổng diện tích 1.259ha, nhưng còn tới hơn 20 CCN chưa thu hút được nhà đầu tư xây dựng HTKT,  tập trung chủ yếu ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn hơn so với mặt bằng chung của tỉnh, như các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương...  Một trong những vướng mắc các địa phương này gặp phải khi thu hút đầu tư xây dựng HTKT các CCN là hồ sơ đề nghị thành lập CCN.

Tìm hiểu thực tế tại huyện Đồng Hỷ chúng tôi được biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 4 CCN được quy hoạch với tổng diện tích 187ha, gồm: CCN Đại Khai, Quang Sơn 1, Nam Hòa và Quang Trung - Chí Son. Theo kế hoạch, đến hết năm 2020 các CCN Đại Khai, Quang Sơn 1 và Nam Hòa sẽ thu hút được nhà đầu tư xây dựng HTKT, trong đó CCN Đại Khai và Nam Hòa sẽ lấp đầy diện tích. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có CCN nào trong số này có nhà đầu tư xây dựng HTKT, vì thế tỷ lệ lấp đầy các CCN chỉ đạt dưới 30%.

Ông Phạm Văn Hiến, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Theo quy định của Chính phủ khi có doanh nghiệp (DN), đơn vị đăng ký đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng HTKT, UBDN huyện sẽ phối hợp đơn vị đó lập hồ sơ đề nghị thành lập CCN gửi Sở Công Thương xem xét và trình UBND tỉnh phê duyệt. Đối với CCN quy hoạch nằm trong diện tích rừng thì trong hồ sơ phải có thêm quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác do HĐND cấp tỉnh phê duyệt. Để có được quyết định này thì chủ đầu tư dự án sẽ phải thực hiện.

Tuy nhiên, theo Nghị định 68/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển CCN thì ở giai đoạn lập hồ sơ đề nghị thành lập CCN, các DN chưa phải là nhà đầu tư mà mới chỉ đang đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng HTKT. Vì thế, huyện không có cơ sở để yêu cầu các đơn vị này xin cấp quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Do đó, hồ sơ đề nghị thành lập CCN không đáp ứng đủ điều kiện để Sở Công Thương xem xét và trình UBND tỉnh phê duyệt. 

Tìm hiểu thêm tại Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển CCN, chúng tôi nhận thấy: Theo quy định, việc thẩm định, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng HTKT CCN sẽ được UBND tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư để chấm điểm theo các tiêu chí: Phương án xây dựng HTKT; phương án quản lý, bảo vệ môi trường CCN; năng lực, kinh nghiệm của DN, hợp tác xã... Theo đó, DN, HTX có số điểm từ 50 điểm trở lên (trên tổng thang điểm 100) được UBND tỉnh xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư xây dựng. Trong trường hợp có 2 DN, HTX trở lên cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng thì giao cho DN, HTX có điểm số cao nhất.

Sản xuất gang tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Trọng Tín, ở Cụm công nghiệp Trúc Mai (Võ Nhai). Ảnh: T.Q

Với quy định như vậy, ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Đúc Thái Nguyên - đơn vị thuê đất hoạt động sản xuất trong CCN Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) băn khoăn: Nếu như trong trường hợp có từ 2 DN trở lên cùng đề nghị làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN thì UBND huyện căn cứ như thế nào để lựa chọn đơn vị xin cấp quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trường hợp DN muốn đề nghị xin được làm thủ tục cấp quyết định chủ trương thì có được không, nếu được nhưng sau đó lại không được UBND tỉnh lựa chọn làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN thì sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?...

Ông Trần Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp và Năng lượng (Sở Công Thương) đánh giá: Hiện nay, nhiều CCN của các địa phương có quy hoạch nằm trong rừng đang phải loay hoay xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập CCN. Nguyên nhân là chính quyền địa phương chưa có cơ sở pháp lý để yêu cầu các DN, HTX đề nghị làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật xin cấp quyết định chủ trương nói trên.

 “Để giải quyết vướng mắc này, trước mắt các địa phương cần phải chủ động bố trí nguồn kinh phí xin cấp quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; còn về lâu dài cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch các CCN gắn với kế hoạch sử dụng đất rừng hàng năm nhằm “đón đầu” và tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư. Đối với vai trò của ngành, Sở sẽ báo cáo, đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn về việc tháo gỡ khó khăn trên cho các địa phương trong thời gian tới ” - ông Trần Anh Sơn cho biết thêm.