Hiện nay, tại một số đoạn bờ sông Cầu thuộc 2 xã Nhã Lộng, Xuân Phương (Phú Bình) bị sạt lở nghiêm trọng cần được xây dựng kè để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Chúng tôi có mặt tại xóm Nón, nơi được coi là điểm xung yếu bị sạt lở của xã Nhã Lộng. Tại đây, 1 đoạn bờ sông dài khoảng 450m đã bị sạt lở, trong đó, có 4 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi vị trí sạt lở chỉ cách công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, nhà ở chưa đầy 1m. Tại nhà bà Dương Thị Dền (sinh năm 1963), chúng tôi quan sát thấy vị trí sạt lở tạo thành hình hàm ếch rộng và sâu gần 2m, cách khu tường bếp và chuồng trại của gia đình chưa đầy 1m.
Bà Dền bày tỏ: Trước kia, nhà tôi cách xa bờ sông đến hơn 8m, xung quanh nhà được trồng tre và chuối để giữ đất. Sau này, bờ sông bị sạt lở, cây trồng giữ đất cũng trôi xuống sông. Đến năm 2016, gia đình tôi đã phải dỡ tường bếp và chuồng trại, tốn thêm 80 triệu đồng để xây lùi các công trình này vào bên trong. Thế nhưng đến nay, sạt lở ngày càng ăn sâu, chỉ cách bờ tường bếp mới xây dựng chưa đầy 1m khiến chúng tôi bất an… Ở cách nhà bà Dền khoảng 10m, ông Dương Văn Chuyên chia sẻ: Nhà tôi trước kia nuôi từ 30-40 con lợn thịt/lứa, nhưng từ năm 2018 bờ sông bị sạt làm đổ tường khu chuồng trại, nứt bể biogas nên tôi phải dừng chăn nuôi.
Ông Dương Văn Dịp, Trưởng xóm Nón thông tin: Xóm có trên 30 hộ dân sinh sống ven sông Cầu, đa phần người dân làm nông nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn. Việc bờ sông bị sạt lở không chỉ đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân mà còn gây thiệt hại về kinh tế khi họ bị mất đất sản xuất, cây cối, hoa màu, hỏng công trình phụ. Chưa kể có một vài hộ dân còn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng mua sỏi, xi măng để gia cố lại nền đất ở ven sông. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời và không phải hộ dân nào cũng có điều kiện kinh tế để làm được điều này. Chúng tôi rất mong các cấp ngành của tỉnh sớm có phương án đầu tư xây dựng kè tại khu vực này để người dân an tâm sinh sống, phát triển kinh tế.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, tình trạng sạt lở bờ sông Cầu cũng xảy ra tại một số điểm thuộc xóm Đồi, xóm Thanh Đàm (xã Nhã Lộng) và khoảng 1,6km đoạn qua các xóm Quang Trung, Thắng Lợi, Hạnh Phúc, Đoàn Kết (xã Xuân Phương) làm ảnh hưởng đến cuộc sống gần 200 hộ dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Bình cho biết: Sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn 8 xã của huyện Phú Bình có chiều dài 25km. Những đến nay, mới chỉ có khoảng 4km bờ sông được xây kè kiên cố. Những năm qua, thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp, cùng với đó là việc khai thác cát sỏi đã làm thay đổi dòng chảy của sông, làm sạt lở nhiều đoạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, hằng năm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng và khoanh vùng các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện, đặc biệt là các tuyến dọc sông Cầu; các địa phương đều cắm biển cảnh báo nguy hiểm và xây dựng phương án di dời người dân trong trường hợp khẩn cấp… Trước tình trạng sạt lở bờ sông Cầu tại khu vực xã Nhã Lộng, Xuân Phương, chúng tôi đã có văn bản đề xuất các cấp ngành chức năng của tỉnh có phương án hỗ trợ, cấp vốn để giúp địa phương có thêm điều kiện gia cố, xây mới bờ kè sông Cầu, đặc biệt là ở các khu vực đang sạt lở nghiêm trọng để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.