Nhân rộng các mô hình giảm nghèo là một trong những giải pháp hiểu quả nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với hình thức đầu tư trực tiếp, cách làm này đang trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có phương tiện sản xuất, cải thiện thu nhập và từng bước thoát nghèo bền vững.
Nhiều năm nay, cả gia đình 6 nhân khẩu của anh Đào Văn Thái, người dân tộc Mông ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) chỉ trông vào 4 sào ngô. Cả 2 vợ chồng không có việc làm ổn định nên đời sống quanh năm bấp bênh. Mãi đến đầu năm 2020, hy vọng mới đã đến với anh Thái khi gia đình anh được Dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản của tỉnh hỗ trợ một con bò trị giá 18 triệu đồng, trong đó gia đình anh đối ứng 3 triệu đồng và Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng.
Anh Thái phấn khởi: Sau gần 1 năm chăm sóc, con bò của gia đình tôi đã sinh ra 1 bê con. Đàn bò giờ được coi là tài sản quý nhất trong gia đình rồi. Tôi đã tìm hiểu thông tin và được biết nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản. Vì vậy, tôi đang cố gắng chăm sóc thật tốt để bò sinh sản và sau này có điều kiện nâng cao thu nhập cho gia đình.
Niềm vui của anh Thái cũng là tâm trạng chung của 7 hộ được hỗ trợ bò sinh sản tại xã Cúc Đường với tổng kinh phí 126 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 105 triệu đồng, số tiền còn lại do người dân đối ứng. Nói về sự hỗ trợ của Dự án, ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường cho biết: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản rất phù hợp với tập quán sản xuất của bà con địa phương, bà con còn có thể tận dụng được diện tích cây trồng kém hiệu quả để trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Qua thực tế cho thấy, đàn bò được hỗ trợ đang phát triển nhanh, khỏe mạnh. Dự kiến, sau khoảng 2 năm bò có thể sinh sản và đem lại lợi nhuận cho các hộ nghèo.
Cũng được nhận hỗ trợ từ các chương trình, dự án về nhân rộng mô hình giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa qua, 10 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Mông tại xóm Lân Quang, xã Tân Long (Đồng Hỷ) đã được hỗ trợ con giống gà H’Mông. Mỗi hộ được cấp 150 con và được hỗ trợ cám, thuốc thú y, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, gà H’Mông là giống gà có sức đề kháng cao, chống chịu với điều kiện tự nhiên tốt, có giá trị kinh tế và phù hợp với phương thức nuôi chăn thả của đồng bào nơi đây. Ông Đào Văn Xuân một trong những hộ được nhận gà giống vui mừng: Nuôi gà H'mông dễ lắm, không tốn nhiều thời gian.
Ngoài cám được hỗ trợ ra tôi có thể tận dụng được các nông sản của gia đình như ngô, khoai, sắn để cho ăn thêm. Sau hơn 1 tháng nuôi, tỷ lệ gà sống đạt 100%, hiện nay trọng lượng trung bình mỗi con đạt khoảng 1,3kg. Dự kiến, gia đình có thể xuất bán gà thương phẩm vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2021 để kịp phục vụ nhu cầu của thị trường.
Ông Triệu Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ, đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng gà giống đến tay các hộ nghèo cho biết: Hiện tại, Trung tâm đang cùng với các đơn vị có liên quan đánh giá về hiệu quả chăn nuôi gà H’Mông tại xóm Lân Quang. Qua đánh giá, nếu kết quả giống gà phù hợp với điều kiện và tập quán chăn nuôi ở đây, đàn gà sinh trưởng tốt và hiệu quả kinh tế cao thì Trung tâm sẽ khuyến khích bà con chăn nuôi với số lượng lớn hơn. Từ đó, nhân rộng thêm 1 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở xóm đặc biệt khó khăn này, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Được biết, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ nhân rộng 59 mô hình giảm nghèo như chăn nuôi trâu bò, lợn nái, gà, chim bồ câu, dê... với 896 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Qua đó, đã có 60% hộ tham gia thoát nghèo. Riêng trong năm 2020 các địa phương trong tỉnh đã triển khai 22 dự án mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ trên 4,5 tỷ đồng và nhân dân đối ứng gần 1,4 tỷ đồng).
Trong đó, có 14 dự án với 216 hộ tham gia tại các địa bàn thuộc Chương trình 135; 8 dự án tại địa bàn ngoài Chương trình 135 với 174 hộ tham gia. Các dự án được triển khai dựa trên nhu cầu cần hỗ trợ của các hộ nghèo và cận nghèo địa phương cũng như trên cơ sở khảo sát, đánh giá điều kiện tự nhiên của từng vùng để chọn ra các mô hình phù hợp như hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò sinh sản, gà ri; trồng hồng xiêm xoài, mận chín sớm. Ngoài mô hình chăn nuôi gà H’Mông được đánh giá hiệu quả trong năm nay thì các mô hình còn lại sẽ được đánh giá sau 3 năm triển khai.